Doanh nghiệp "thiếu máu" vì tồn kho: Tăng sức cầu nội địa
Nỗi "ám ảnh" hàng tồn kho đang đè nặng lên nền kinh tế trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.
Đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa, đẩy hàng tồn kho tăng cao kéo theo những tác động nặng nề cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, tìm kiếm giải pháp mới để giải quyết vấn đề hàng tồn kho đang là “toán khó” của các doanh nghiệp.
Đứt gãy... sức cầu
“Không chỉ đối tác quốc tế mà nhiều khách hàng trong nước cũng không mua hàng nữa, khiến hàng sản xuất ra không tiêu thụ được. Hiện lượng hàng tồn kho của chúng tôi rất lớn, giá trị tồn kho của sợi khoảng 15 tỷ đồng và giá trị nguyên liệu khoảng 20 tỷ đồng”, ông Đỗ Văn Nam chia sẻ.
Tình cảnh tương tự với công ty TNHH Việt Thắng Jean. Số lượng sản phẩm mà doanh nghiệp này tồn đọng đã lên đến con số 1 triệu. “Bình quân mỗi sản phẩm có giá từ 15 đến 20 USD, với hơn 1 triệu sản phẩm tồn đọng chúng tôi gặp khó trong việc xoay vòng nguồn vốn. Bên cạnh đó, việc lưu kho, bảo quản… số sản phẩm này mất thêm nhiều chi phí”, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean cho biết.
Không chỉ DNVVN, các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) ước tính ngành dệt may có thể mất tới 50% đơn đặt hàng trong tháng 5. Tổng công ty cổ phần May Việt Tiến cũng thua lỗ hơn 22 tỷ đồng trong quý I/2020 trong khi cùng kỳ năm trước lãi 85 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do việc các đơn hàng bị giảm hoặc hủy bởi các thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp này là Mỹ, Trung Quốc và EU.
Cũng không chỉ với dệt may, kết quả rà soát của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) được thực hiện với 50 doanh nghiệp thuộc nhóm ngành sản xuất, chế biến và thương mại xuất khẩu nông sản mới đây cho thấy, tổng lượng hàng nông sản tồn kho lên tới 48.200 tấn, giá trị thiệt hại ước tính trên 410 tỷ đồng.
Đáng nói hơn, trong bối cảnh khó lường của đại dịch, thời điểm tái mở cửa các thị trường vẫn còn bỏ ngỏ, điều này có nghĩa số lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục gia tăng. Hàng hoá không thể xuất là tổn thất lớn lại cộng thêm chi phí lưu kho đang giáng đòn kép vào doanh nghiệp. Được biết, với mỗi sản phẩm như dệt may, chi phí lưu kho sẽ phải mất thêm 10% giá thành sản xuất. Đến khi thị trường có phục hồi doanh nghiệp cũng không thể tăng giá bán.
Tăng cầu nội địa
“Để hướng tới người tiêu dùng trong nước thì chúng tôi đang tiếp cận các hệ thống phân phối ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội để kích hoạt tiêu dùng trong nước cho sản phẩm cá tra để giải quyết khó khăn cho thị trường xuất khẩu”, ông Đinh Minh Tâm, Phó giám đốc Công ty TNHH Cỏ May cho biết.
Ở góc độ vĩ mô, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, lượng cầu nằm không ở đâu xa mà ở trong chính người dân và doanh nghiệp. Đó là những người tiêu dùng, tiêu thụ hàng hoá sản phẩm của xã hội. Do đó, họ phải có được nguồn tài chính, nguồn thu để có thể tiến tới chi tiêu tốt hơn. “Chúng ta đã có chính sách hỗ trợ tài chính cho những trường hợp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì việc thực thi chính sách đó phải thật nhanh. Còn với những chính sách cũ đã ưu việt thì cũng phải làm nhanh”, ông Dũng chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, các chính sách mới cần phải làm để vừa tăng sức cầu vừa tăng kích thích tuần hoàn của chu kỳ kinh tế trong sản xuất tiêu dùng tác động đến nhóm đối tượng là người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp khác. Nhóm đối tượng này cần phải có sự tin tưởng ổn định và có khả năng về ngân sách để tiêu thụ sản phẩm, để mua và dùng sản phẩm.
Như vậy, đối với người dân thì phần thuế là một phần trọng điểm mà họ chú ý. Bởi vì, điều mà họ e ngại nhất là phần làm ra đã ít mà thuế thì lại thu nhiều. Chẳng hạn như mức thuế Giá trị gia tăng (VAT) mà người mua có thể phải đóng từ 5% đến 10%. Vấn đề này rất cần điều chỉnh giảm xuống trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm nhằm tạo điều kiện cho người dân có ngân sách tương đối, có nguồn tài chính để tiêu dùng sản phẩm.
“Còn đối với các doanh nghiệp thì các loại thuế đều phải nên được xem xét và giảm thêm nữa. Đặc biệt là các loại thuế cố định và thuế đánh trên doanh thu, thuế thu nhập doanh nghiệp rất nên xem xét lại”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Công thương điện tử. https://congthuong.vn/doanh-nghiep-thieu-mau-vi-ton-kho-tang-suc-cau-noi-dia-140572.html
Các tin đã đăng
|