Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 112

  • Tổng 8.158.465

Quản lý, phát triển cụm công nghiệp theo hướng bền vững

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Quảng Bình hiện có 6 cụm công nghiệp (CCN) đã được thành lập với tổng diện tích 75,44 ha, gồm: CCN Nghĩa Ninh, CCN Phú Hải, CCN Bắc Nghĩa, CCN Thuận Đức, CCN Tiến Hóa và CCN Lộc Ninh. Ngoài ra còn có 4 CCN đã được quy hoạch chi tiết vừa cho thuê vừa tiếp tục đầu tư hạ tầng nhưng chưa được thành lập theo quy định với tổng diện tích 25,5ha, gồm: CCN thị trấn Quán Hàu, CCN Cảnh Dương, CCN Tiểu khu Lưu Thuận và CCN Hồng Hóa. Việc thành lập, phát triển CCN đã và đang được tỉnh hết sức quan tâm nhằm hoàn thiện mạng lưới sản xuất công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng lao động công nghiệp và dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Theo ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Công thương thì hầu hết các CCN được thành lập trên địa bàn tỉnh chưa hoàn thiện hạ tầng, vừa cho thuê, vừa tiếp tục đầu tư nên chưa đồng bộ, thậm chí các tuyến đường nội bộ CCN chưa được bê tông hóa. Trong khi đó, công tác đầu tư xây dựng CCN gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố còn hạn chế. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng CCN để đầu tư, xây dựng.

Số liệu thống kê cho thấy, toàn tỉnh hiện có 6 CCN đã được thành lập và 4 CCN được quy hoạch chi tiết vừa cho thuê, vừa tiếp tục đầu tư hạ tầng nhưng chưa được thành lập. Tỷ lệ lấp đầy bình quân của các CCN đã đưa vào hoạt động là 59%, thu hút 111 dự án đầu tư. Tổng số vốn đăng ký của các dự án đầu tư trong các CCN khoảng 450 tỷ đồng, nộp ngân sách 14 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 1.788 lao động.

Cũng theo ông Phạm Quang Hải, toàn tỉnh chỉ có 1 trung tâm phát triển CCN từng được thành lập ở TP. Đồng Hới nhưng đã sáp nhập vào Ban Quản lý dự án Đầu tư và Phát triển quỹ đất thành phố. Các cụm công nghiệp còn lại do UBND các huyện, thị xã quản lý. Trên thực tế, đa số các CCN đều có diện tích nhỏ, diện tích mở rộng thêm hạn chế nên việc thu hút nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng gặp khó khăn.

Việc phát triển các CCN gắn với bảo vệ môi trường đang được chính quyền địa phương hết sức quan tâm.

Ông Hồ Nhật Bình, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương cho biết: Hầu hết các CCN trên địa bàn có quy mô nhỏ, ngành nghề hoạt động kinh doanh chủ yếu là mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng, hàng mây tre đan, cơ khí gò hàn, cắt gọt nhôm kính, sửa chữa ô tô, sản xuất gốm sứ, vật liệu xây dựng không nung... nên chất thải ở dạng rắn, ít độc hại với môi trường và đang được xử lý bằng phương pháp đơn giản, thông thường như đốt hoặc hợp đồng với đơn vị thu gom chất thải xử lý.

“Theo quy định đối với công tác bảo vệ môi trường thì CCN phải đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở sản xuất trong CCN không phát sinh nước thải, một số cơ sở sử dụng nước theo hình thức tuần hoàn hồi lưu nên những năm qua các CCN chưa xây dựng hệ thống nước thải tập trung”, ông Hồ Nhật Bình cho biết thêm.

 Để thúc đẩy phát triển Công nghiệp-TTCN trên địa bàn, trong đó có phát triển CCN, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 26/2016/QĐ-UBND quy định nội dung và mức hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp và xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình. Theo đó, tỉnh đã và đang hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết CCN, hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng CCN; sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các CCN; hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, đào tạo nghề, truyền nghề; di dời các cơ sở sản xuất TTCN có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào sản xuất tập trung trong CCN. Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật tại các CCN, nhất là vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ…cũng được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo. Cụ thể, ngay từ khâu lập quy hoạch chi tiết các CCN, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chú trọng việc phát triển công nghiệp gắn với việc bảo vệ môi trường. Tại các quy hoạch chi tiết CCN, UBND tỉnh yêu cầu đơn vị liên quan bố trí các khu chức năng để xây dựng các công trình hạ tầng, như: Trạm xử lý chất thải rắn, nước thải, hệ thống cây xanh tập trung, cây xanh cách ly và cây xanh phân tán dọc theo các tuyến đường giao thông. Qua đó tạo vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cách ly các cụm chức năng.

 Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 35/2021/QĐ-UBND, ngày 29/9/2021 về ban hành Quy chế quản lý CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Thông qua quy chế đã tạo ra khung pháp lý thống nhất quản lý CCN, làm cơ sở cho các chủ đầu tư hạ tầng và các đơn vị liên quan chấp hành đúng chủ trương, quy định của nhà nước về phát triển CCN; tham mưu UBND tỉnh các nội dung liên quan đến quy hoạch phát triển CCN, quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; thành lập, mở rộng CCN theo quy định bảo đảm chất lượng, đáp ứng công tác quản lý, phát triển CCN trên địa bàn.

Phương án phát triển CCN tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có 38 CCN với tổng diện tích 756,6ha. Đến nay, toàn tỉnh đã có 13 CCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 131,9 ha, gồm: CCN Mỹ Đức 7,22ha, CCN thị trấn Quán Hàu 3,2ha, CCN Áng Sơn 9ha, CCN Nghĩa Ninh 9,05ha, CCN Thuận Đức 20,17ha, CCN Phú Hải 2,48ha, CCN Bắc Nghĩa 10,19ha, CCN Lộc Ninh 16,17ha, CCN Cảnh Dương 3,5ha, CCN Tiểu khu Lưu Thuận 3,14ha, CCN Tiến Hóa 17,37ha, CCN Hồng Hóa 14,75ha và CCN Yên Hóa 15,66ha.

 

Theo: Nguyễn Hoàng - QBĐT

Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202208/quan-ly-phat-trien-cum-cong-nghiep-theo-huong-ben-vung-2202818/

Các tin khác