Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 235

  • Tổng 8.083.020

Quảng Bình phát triển kinh tế biển, động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế bền vững

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Là tỉnh ven biển Miền Trung với đường bờ biển dài, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại, Quảng Bình hội tụ đầy đủ các tiềm năng để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. 

 

Triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, đặc biệt là Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quảng Bình đã ban hành cơ bản đồng bộ các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện với nhiều bước đột phá quan trọng nhằm khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển.


Với mục tiêu sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ, Quảng Bình tiếp tục xác định phát triển bền vững kinh tế biển, kiểm soát khai thác tài nguyên biển, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trọng tâm là phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, như: Du lịch, dịch vụ biển; công nghiệp ven biển; nuôi trồng, khai thác hải sản; hậu cần nghề cá; khai thác khoáng sản biển; năng lượng tái tạo; kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới, gắn với hình thành văn hóa sinh thái biển; cải thiện sinh kế bền vững và nâng cao đời sống người dân vùng biển. Thu hút đầu tư hạ tầng, hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí ven biển.


Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của một tỉnh ven biển, Quảng Bình quy hoạch phát triển vùng ven biển thành 3 vùng:


- Vùng biển và ven biển phía Bắc (từ Đèo Ngang đến Bắc sông Gianh) sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, thương mại, dịch vụ; phát triển vùng kinh tế động lực Khu kinh tế Hòn La. Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển, phát triển dịch vụ vận tải biển, chuỗi cung ứng logistics, công nghiệp năng lượng sạch (điện gió ngoài khơi). Ngoài ra, tập trung phát triển nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá, bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, giúp ngư dân yên tâm bám biển khai thác nguồn lợi thủy, hải sản.


- Vùng biển và ven biển trung tâm (từ Nam sông Gianh đến xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh): Tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển các khu đô thị ven biển, trung tâm thương mại, các khu du lịch vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch biển cao cấp ở vùng Đá Nhảy, Nhật Lệ - Quang Phú, Bảo Ninh, Hải Ninh.


- Vùng biển và ven biển phía Nam (từ Nam xã Hải Ninh đến Hạ Cờ, giáp tỉnh Quảng Trị): Xây dựng vùng kinh tế tổng hợp, các khu chức năng đặc thù đa ngành, đa chức năng, đa lĩnh vực, bao gồm: Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; dịch vụ du lịch; các khu dân cư đô thị, nông thôn; trung tâm công cộng, các khu sản xuất nông nghiệp, rừng phòng hộ ven biển. Tập trung phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo ven biển và trên biển.


Chính nhờ những định hướng đúng đắn và giải pháp cụ thể, những năm qua, Quảng Bình đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế biển:


Du lịch và dịch vụ biển: Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Quảng Bình tiếp tục lựa chọn đẩy mạnh phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó du lịch biển vẫn là động lực tăng trưởng chính. Thực hiện Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Bình đã và đang mời gọi đầu tư vào các điểm du lịch biển nổi tiếng, như: Bảo Ninh, Nhật Lệ, Quang Phú, Đá Nhảy; khu vực ven biển từ xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) đến xã Ngư Thủy Nam (huyện Lệ Thủy). Cùng với phát triển các dịch vụ thể thao trên biển, hình thành các khu ẩm thực theo mô hình chợ đặc sản, hàng lưu niệm mang thương hiệu Quảng Bình, tỉnh tập trung tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề, trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch, đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng,…


Tỉnh đã quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm triển khai, hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác các dự án đầu tư về cơ sở lưu trú, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, đặc biệt là các dự án trọng điểm du lịch vùng ven biển tạo sự phát triển bứt phá, như: Quần thể Resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Quảng Bình của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC; Trung tâm thương mại Vincom, Khách sạn Melia - Vinpearl của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vingroup, Khu đô thị du lịch quốc tế Regal Legend của Công ty Đất Xanh Miền Trung; sân golf Bảo Ninh - Hải Ninh, Khu du lịch và nhà ở sinh thái Sunspa - Đảo Yến của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh,... ngày càng đáp ứng được nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của du khách, góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh và từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.


Về công nghiệp ven biển: Khu Kinh tế Hòn La được xác định là trung tâm động lực kết nối phát triển vùng, trong đó, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I đã khởi công, với tổng mức đầu tư trên 41.000 tỷ đồng. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đáng kể tăng nguồn thu ngân sách tỉnh, tạo thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và việc làm ổn định cho lao động địa phương (nhất là lao động có trình độ cao), thay đổi diện mạo, đời sống của cư dân ven biển.


Các dự án Nhà máy điện mặt trời 49.5MWp Dohwa Lệ Thủy, Trang trại điện gió B&T tại xã Hải Ninh đã hoàn thành và đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp của tỉnh, đóng góp vào ngân sách tỉnh hơn 150 tỷ đồng/năm.


Về nuôi trồng và khai thác hải sản: Là địa phương có đội tàu cá thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, với khoảng 6.800 tàu cá; nuôi trồng, khai thác thủy sản đóng vai trò quan trọng và là hướng đi hiệu quả trong những năm qua. Để bảo đảm tính bền vững, tỉnh đang tích cực chỉ đạo chuyển từ nuôi trồng, khai thác truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; tổ chức lại hoạt động theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với thực hiện tốt các quy định để chung tay cùng cả nước “gỡ thẻ vàng IUU”, là nhiệm vụ cần thiết để khai thác thủy sản bền vững; khẳng định thương hiệu thủy sản Quảng Bình và Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đời sống Nhân dân các địa phương ven biển tiếp tục cải thiện, đồng thuận, đoàn kết, vững tin sản xuất và chung tay giữ vững chủ quyền biển đảo.

Đ/c Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm đội tàu cá và ngư dân Thị xã Ba Đồn


Đẩy mạnh liên kết sản xuất thủy sản theo mô hình Tổ hợp tác, Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá; hỗ trợ xây dựng một số doanh nghiệp đủ mạnh tham gia khai thác xa bờ; đầu tư xây dựng mới và nâng cấp cảng cá, bến cá, các khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền, dịch vụ hậu cần nghề cá,…


Bên cạnh đó, tỉnh cũng từng bước phát triển kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới; đầu tư, khai thác hiệu quả các cảng biển, cảng chuyên dụng gắn với dịch vụ hỗ trợ; ưu tiên hoàn thiện hạ tầng logistics và hệ thống giao thông kết nối cảng biển Hòn La với các tỉnh, quốc gia trong khu vực. Đồng thời, tập trung xây dựng đội tàu vận tải sông, biển, từng bước tham gia vào các chuỗi cung ứng hàng hải quốc tế; thí điểm các tuyến cảng vận tải và đón khách du lịch trên biển (ra các đảo, các điểm du lịch dọc bờ biển,…).


Để thúc đẩy kinh tế biển phát triển, Quảng Bình cũng đã chú trọng thu hút các nguồn lực để tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, như: cảng biển, sân bay, đường cao tốc, đường ven biển...; phát triển hệ thống đô thị ven biển theo hướng đồng bộ, hiện đại, theo tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh. Hiện nay, các dự án hạ tầng quan trọng đã và đang triển khai, như: Đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình, Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3; Hệ thống đường ngang kết nối đường ven biển và kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp mới; Cảng Hàng không Đồng Hới đang được đầu tư mở rộng, được Chính phủ xem xét để nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế... sẽ là động lực để tỉnh tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là khai thác tiềm năng của tỉnh ven biển.


Một trong những thước đo về hiệu quả của chiến lược phát triển kinh tế biển là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân vùng ven biển và lao động trên biển. Cùng với nhiều giải pháp chăm lo đời sống Nhân dân, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng dân cư ven biển; tỉnh đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức về biển cho Nhân dân, để mỗi cá nhân và toàn xã hội phát huy tối đa năng lực, tinh thần trách nhiệm, tình yêu quê hương, chung tay khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, bảo vệ môi trường, giữ vững toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia trên biển.


Trong những năm tới, Quảng Bình tiếp tục thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực phát triển kinh tế biển đi kèm với các chính sách ưu đãi, thông thoáng, điển hình như Dự án nâng cấp luồng tuyến cảng Hòn La cho tàu 30.000 DWT, đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trước triển vọng phát triển cảng biển của tỉnh.



Phối cảnh Khu Kinh tế Hòn La, huyện Quảng Trạch


Những thành công của Dự án Cụm trang trại điện gió B&T, Nhà máy điện mặt trời Dohwa... là tiền đề để Quảng Bình mở ra hướng đi mới cho phát triển điện gió, điện mặt trời trên biển, góp phần bổ sung nguồn năng lượng sạch, tạo sự tăng trưởng kinh tế ổn định. Cùng với các công trình hạ tầng giao thông đang được đầu tư xây dựng; đội tàu cá công suất lớn khai thác vùng biển xa; hệ thống cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá như cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão tàu cá, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá, dịch vụ cung ứng phục vụ khai thác được đầu tư xây dựng, nâng cấp, từng bước đáp ứng nhu cầu ngư dân... sẽ là tiền đề để Quảng Bình thực hiện thành công chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

 

Nhật Bình QLCN (t/hợp)

Các tin khác