Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 6

  • Hôm nay 2800

  • Tổng 8.161.154

Phát triển cụm công nghiệp: Bài 2 - Vì sao nên nỗi?

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại địa phương gặp muôn vàn khó, bên cạnh yếu tố lịch sử, ưu đãi kém hấp dẫn còn do chồng chéo trong quản lý. 

 

Thua thiệt về ưu đãi

 

Cụm công nghiệp dù được các địa phương khẳng định về tầm quan trọng cũng như những đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn. Bản thân các tỉnh, thành phố cũng luôn cố gắng để có nhiều chính sách ưu đãi cho khu vực kinh tế này phát triển.

 

Thế nhưng qua trao đổi, lãnh đạo nhiều địa phương rất băn khoăn khi cho rằng, ngay ở tầm vĩ mô chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp, bao gồm cả đầu tư hạ tầng và đầu tư thứ cấp kém hấp dẫn hơn vào khu công nghiệp.

 

“Khu công nghiệp hiện đang được ưu đãi hơn về thuê đất và thuế so với cụm công nghiệp” - ông Nguyễn Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang nói. Đồng thời so sánh, doanh nghiệp trong khu công nghiệp được miễn tiền thuê đất 11 năm từ lúc khu công nghiệp đi vào hoạt động, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm đầu và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo. Doanh nghiệp thuê đất trong cụm công nghiệp chỉ được miễn trong 7 năm và không được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong những năm đầu đầu tư sản xuất.

 

Trong khi đó, cụm công nghiệp chủ yếu là nơi di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa là những đối tượng cần được ưu đãi hỗ trợ.


Các nhà đầu tư CCC luôn cố gắng khắc phục khó khăn hoàn thiện hạ tầng để thu hút nhà đầu tư thứ cấp


“Mặt khác, hiện vẫn chưa có mức hỗ trợ cụ thể đối với việc di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, khu dân cư, khu đô thị vào cụm công nghiệp” - ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, cho biết thêm.

 

Dù đã có thâm niên trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp nhưng bà Trần Kim Thanh - Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo Minh Khánh Hồng vẫn than “rất thiệt thòi” cho doanh nghiệp.

 

“Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hay cụm công nghiệp là do khả năng của nhà đầu tư nhưng nếu chính sách ưu đãi cho cụm công nghiệp hấp dẫn hơn hoặc bằng với khu công nghiệp thì sẽ khuyến khích được nhiều doanh nghiệp, hạ tầng khu vực này cũng sẽ nhanh hoàn thiện hơn” - bà Trần Kim Thanh bày tỏ.

 

Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo Minh Khánh Hồng cũng cho biết, cụm công nghiệp Khánh Thượng (Ninh Bình) nằm trong vùng kinh tế khó khăn nên được miễn 2 giảm 4 (miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm đầu và giảm 50% trong 4 năm tiếp theo) nhưng khi đầu tư cụm công nghiệp Khánh Lợi cũng ở Ninh Bình doanh nghiệp lại không được miễn, giảm thuế nữa.

 

Chưa kể, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang đất phi nông nghiệp rất khó khăn, nhanh phải 6 tháng, không thì mất cả năm. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp thứ cấp khi đầu tư vào cụm công nghiệp cũng còn hạn chế, chưa cập nhật và nâng cao như khu công nghiệp.

 

“Vì nguyên do này, chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội đón một số nhà đầu tư lớn. Đơn cử, Tập đoàn Goretek mong muốn thuê lại 30ha đất để xây dựng nhà xưởng nhưng do hoạt động trong lĩnh vực chế xuất nên không được phép đầu tư ở quy mô cụm công nghiệp”, ông Đinh Đức Thuật - Phó trưởng Ban quản lý cụm công nghiệp Khánh Thượng thông tin.

 

Chồng chéo trong quản lý

 

Không chỉ thua thiệt về chính sách ưu đãi, nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn gặp khó bởi sự thiếu đồng nhất và chồng chéo trong công tác quản lý. Từ kinh nghiệm thực tế, ông Đinh Đức Thuật, bày tỏ: Pháp luật quy định Sở Công Thương cấp tỉnh cùng UBND cấp huyện được giao nhiệm vụ lập quy hoạch phát triển, tham mưu thành lập Ban quản lý cụm công nghiệp, hướng dẫn thu hút đầu tư…

 

Tuy nhiên, để triển khai đầu tư và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp các doanh nghiệp phải liên hệ và thực hiện các thủ tục tại nhiều cơ quan khác nhau, như: Với Sở kế hoạch và Đầu tư để lập và thẩm định dự án đầu tư; Sở tài nguyên và Môi trường để thẩm định, đánh giá tác động môi trường; Sở Xây dựng để quy hoạch chi tiết, cấp giấy phép xây dựng…

 

“Dù việc được kiểm tra, tham vấn, hỗ trợ từ các sở, ngành chức năng là cần thiết nhưng nếu có 1 cơ chế tinh giản, tập trung đầu mối thì sẽ thuận lợi hơn, tiết kiệm thời gian hơn và quan trọng doanh nghiệp không bị bỏ lỡ cơ hội kinh doanh” - ông Đinh Đức Thuật nói.


CCN Khánh Thượng (Ninh Bình) đã bỏ lỡ cơ hội đón một số nhà đầu tư lớn do thua thiệt về ưu đãi


Ở góc độ quản lý nhà nước, lãnh đạo Sở Công Thương Ninh Bình cũng chỉ rõ: Theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (Nghị định 68): Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phù hợp với nội dung báo cáo đầu tư, mở rộng, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt thì không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, theo Luật đầu tư năm 2020 thì dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đều phải trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

 

Hay theo Nghị định 68, Sở Công Thương là đầu mối tiếp nhận, giải quyết hoặc phối hợp, đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp, các thủ tục triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy định, phân cấp, ủy quyền của UBND tỉnh. Tuy nhiên, theo Luật đầu tư năm 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

 

Chính bởi sự không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp nêu trên, việc phân công, phân cấp giải quyết các thủ tục hành chính về lựa chọn chủ đầu tư, triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dự án sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp chưa có sự thống nhất giữa các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Những tồn tại này có ảnh hưởng hay không, ảnh hưởng như thế nào đến công tác quản lý, thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đầu tư thứ cấp và quản lý doanh nghiệp trong cụm công nghiệp có lẽ các địa phương đều cảm nhận rõ. “Điều đáng quan ngại là vai trò đầu mối trong quản lý nhà nước của Sở Công Thương đối với lĩnh vực cụm công nghiệp chưa được thể hiện rõ”- lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh.

 

Nguồn: Báo CTĐT 

https://congthuong.vn/phat-trien-cum-cong-nghiep-bai-2-vi-sao-nen-noi-218037.html

Các tin khác