Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 696

  • Tổng 8.082.764

Doanh nghiệp may mặc Quảng Bình nỗ lực vượt khó

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Mặc dù có tín hiệu khả quan hơn từ thị trường xuất nhập khẩu, tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, do thiếu hụt đơn hàng, doanh thu sụt giảm khiến các DN ngành may tỉnh Quảng Bình gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm mục tiêu, kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như việc giữ chân người lao động.

 

Liên tục từ quý IV/2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất may mặc trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, từ thiếu nguyên liệu, lãi suất tăng đến thiếu lao động cho sản xuất. Đặc biệt, nhu cầu tiêu dùng giảm dẫn tới không có đơn hàng cho doanh nghiệp.


Công ty TNHH TM May Thăng Long là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu. Hoạt động sản xuất của công ty hiện đang gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, kéo theo đó chi phí vận tải, chi phí sản xuất tăng cao, đòi hỏi khách hàng quá khắt khe đã làm ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hiện lượng hàng tồn kho của công ty rất lớn.

 Công ty TNHH TM May Thăng Long lao động giảm 30% so với năm 2022 


Theo ông Đặng Thăng Long, Giám đốc công ty cho biết: Từ quý 4/2022 đến nay, đơn đặt hàng giảm sụt rõ rệt, trong đó đơn hàng ở Châu Âu giảm tới 60%, Mỹ giảm 30-40%, trong quý I doanh thu giảm đến 80%. Riêng trong tháng 2, doanh nghiệp hầu như không có doanh thu do nguyên liệu về chậm, không đồng bộ nên không thể sản xuất, không kịp hoàn thiện để xuất hàng. Đặc biệt, từ đầu năm 2023, số lượng lao động nghỉ việc nhiều, giảm 30% so với cuối năm 2021, trong đó có nhiều lao động đã qua đào tạo, có tay nghề.

 
Theo ông Long, trước mắt công ty đang triển khai một số giải pháp tạm thời là chấp nhận đơn hàng giá thấp để duy trì sản xuất và công việc cho người lao động. Cùng với đó là chủ động tìm kiếm nguồn hàng, đơn hàng, nguồn nguyên liệu từ các nước, các thị trường trên thế giới. Tiến hành sắp xếp lại giờ làm, không tổ chức tăng ca, làm thêm giờ mà chỉ làm theo giờ hành chính hoặc giảm số ngày làm việc trong tuần để bảo đảm việc làm cho người lao động. 


Công ty cổ phần Dệt may Huế, chi nhánh Quảng Bình cũng đang gặp tình trạng tương tự. Theo Giám đốc công ty Nguyễn Bá Khánh Tùng cho biết:  Hiện tại đơn hàng của công ty cũng mới chốt đến tháng 7, nhưng để cầm chừng và giữ chân lao động chứ không tăng ca. Ban lãnh đạo công ty đã và đang tìm cách khắc phục theo hướng không sa thải công nhân, nhưng sẽ giảm giờ làm để duy trì lực lượng lao động, chờ thị trường phục hồi. 

Công ty CP Dệt may Huế, chi nhánh Quảng Bình lao động giảm 15% so với năm 2022 

 

DN lớn đã khó về đơn hàng, các DN có quy mô nhỏ càng khó khăn gấp bội. Điển hình như là Công ty TNHH xây dựng và may mặc Minh Tuấn có quy mô nhỏ khoảng 100 công nhân và vừa đi vào hoạt động 3 năm nay. Từ đầu năm 2023 đến nay, công ty hầu như không có đơn hàng mới, còn các đơn hàng truyền thống giảm đến 80%. Để duy trì hoạt động cho người lao động, công ty nhận các đơn hàng nhỏ, đa dạng các loại mặt hàng nhằm duy trì doanh thu mà việc làm cho người lao động.


Ông Trương Minh Tuấn, Giám đốc công ty cho biết: Là doanh nghiệp nhỏ nên đơn hàng của công ty chủ yếu gia công lại cho công ty lớn, đơn hàng chủ yếu là áo, quần, váy…Những tháng gần đây, các công ty lớn thiếu đơn hàng nên các công ty nhỏ càng khó khăn hơn, mỗi tháng công ty bù lỗ trên 100 triệu đồng. 


Bên cạnh thiếu đơn hàng thì hiện nghề may mặc đang đối diện khó khăn chung là tình trạng lao động nghỉ việc. Tiền lương từ tăng ca chiếm phần lớn trong thu nhập của công nhân (CN), cùng với đó, đơn giá gia công hàng hóa lại giảm nên thu nhập của người lao động xuống thấp (thậm chí giảm 50%), hiện có khoảng 15- 35% lao động của các công ty may mặc xin nghỉ việc chuyển sang việc khác. Điển hình như Công ty TNHH TM May Thăng Long cuối năm 2022 có 1180 CN nay còn 826 CN; Công ty TNHH Xây dựng và May mặc Minh Tuấn trước có 100 CN nay giảm còn 50 CN…
Công ty CP Dệt may Huế, chi nhánh Quảng Bình lao động giảm 15% so với năm 2022 


Chị Nguyễn Thị Hoa, CN Công ty cổ phần Dệt may Huế cho biết: Không tăng ca, đơn giá gia công thấp nên thu nhập giảm so với trước, nhiều công nhân nghỉ việc chuyển qua công việc khác nhưng tôi vẫn cố gắng bám trụ cùng công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này. Mong muốn của công nhân chúng tôi trong thời gian tới công ty sẽ nhận được nhiều đơn hàng để công nhân có thể tăng ca, làm thêm chủ nhật để tăng thu nhập. 

Thiếu đơn hàng, phần lớn các doanh nghiệp may mặc sản xuất cầm chừng và không tăng ca


Trên địa bàn Quảng Bình hiện có gần 35 DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Đây cũng là ngành tạo nhiều việc làm nhất trên địa bàn toàn tỉnh, khoảng 6000 người; xếp thứ 3 về giá trị trong các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh (sau sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến gỗ, sản phẩm từ gỗ. Năm tháng  đầu năm 2023, sản xuất áo quần các loại trên địa bàn đạt 6.719  nghìn cái, giảm 19,6% (trong đó áo sơ mi người lớn đạt 4.512 nghìn cái, giảm 16,5%; áo quần các loại khác đạt 2.207 nghìn cái, giảm 25,1%). Việc các DN may mặc bị giảm sút, thiếu đơn hàng đã và đang ảnh hưởng lớn đến thu nhập, cuộc sống của hàng ngàn công nhân. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các DN may mặc trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động xây dựng, triển khai các phương án, giải pháp ứng phó linh hoạt. Trong đó, phải thay đổi cơ cấu sản phẩm, buộc phải làm các mặt hàng không chủ đạo để có thể duy trì được hoạt động sản xuất. 


Đứng trước những khó khăn hiện hữu, nhiều chủ DN đang bày tỏ mong muốn nhận được sự trợ giúp từ nhà nước (Chính phủ, các bộ, ngành trung ương) như hỗ trợ về giảm, giãn, gia hạn các loại thuế, phí và bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp, tiếp tục giảm lãi suất vay và tạo điều kiện để doanh nghiệp may mặc tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi… Đây là giải pháp cần thiết để doanh nghiệp duy trì hoạt động và vượt qua gia đoạn khó khăn này. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, các cơ quan liên quan cũng cần có hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với chính sách mới. 


Theo dự báo của Bộ Công Thương, ngành may mặc trong quý II và thời gian tới vẫn không mấy khả quan do suy thoái kinh tế toàn cầu, chính sách tiền tệ thắt chặt đã khiến nhu cầu suy giảm tại các quốc gia nhập khẩu dệt may lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản. Tại Quảng Bình, các DN may mặc đang trong tình trạng thiếu hụt đơn hàng, tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Bên cạnh đó, việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao, thu nhập của người lao động và số lượng lao động sụt giảm đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. 


Để thúc đẩy phát triển sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp, vừa qua Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị tổ chức làm việc với một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên trên địa bàn, trong đó tập trung các lĩnh vực dệt may, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ…nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác đầu tư xây dựng cũng như sản xuất kinh doanh. 

 

TH: Nhật Bình QLCN

Các tin khác