Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 165

  • Tổng 8.082.950

Doanh nghiệp trong cơn "bĩ cực"

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Hoài Nam thì hầu hết doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn, nhất là DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất (SX) vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, may mặc… Trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp thì nhu cầu lớn nhất của DN là hỗ trợ vốn vay để duy trì hoạt động. Cùng với đó là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, trước mắt là khuyến khích tiêu thụ sản phẩm của các DN trong tỉnh. Về lâu dài, cần quy hoạch, phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ, SX clinker để khi thị trường được mở rộng trở lại, các DN có thể nhanh chóng khôi phục SX.

Bài 2: Doanh nghiệp cần gì?

 

Thực tế cho thấy phần lớn DN SX công nghiệp, thương mại trong tỉnh là DN nhỏ và vừa, năng lực tài chính hạn chế. Bởi vậy, cần tiếp tục đề xuất Chính phủ tạo điều kiện cho các DN được cơ cấu lại khoản nợ và giữ nguyên nhóm nợ; khoanh nợ đối với các khoản vay đầu tư xây dựng nhà máy, tạm thời chưa thu lãi đối với các khoản nợ lãi từ nay đến hết năm 2023 để DN có động lực phục hồi SX.

 

“Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện để DN tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi với khoản vay tín chấp, cho vay theo đơn hàng để có nguồn tiền duy trì hoạt động và đẩy mạnh phát triển SX, kinh doanh (KD) trong điều kiện khó khăn hiện nay”, Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Thăng Long-Chi nhánh miền Trung Nguyễn An Bích chia sẻ.

 

Liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Hoài Nam cho rằng: Cần có chính sách hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm, như: Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong tỉnh ưu tiên sử dụng hàng hóa và dịch vụ do các DN trong tỉnh SX nhằm đẩy mạnh SXKD. Đồng thời, các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tăng cường tuyên truyền, tập huấn về công tác hội nhập kinh tế quốc tế; hỗ trợ DN xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm theo hướng xuất khẩu, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh.Quy hoạch, phát triển vùng SX nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ, SX vật liệu xây dựng cũng là vấn đề đáng được quan tâm nhằm tạo điều kiện cho DN ổn định SX lâu dài.     

 

Giám đốc Chi nhánh Gỗ Phú Quý (Công ty CP Việt Trung Quảng Bình) Nguyễn Sơn Phong cho rằng, tỉnh cần có chủ trương và chính sách hỗ trợ cụ thể để người dân yên tâm trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Điều này sẽ giúp giảm thiểu việc khai thác gỗ để chế biến thô (dăm gỗ); đồng thời bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến sâu của các DN. “Hiện nhà máy của chúng tôi chủ yếu sử dụng gỗ lớn để SX các sản phẩm ngoại thất, nội thất. Cùng với những khó khăn chung về vốn, thị trường tiêu thụ, giá thành sản phẩm, chúng tôi đang rất “đau đầu” với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu”, ông Phong nói.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không hiệu quả ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của nhiều lao động.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không hiệu quả ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của nhiều lao động.

Trực tiếp dẫn chúng tôi đến xem mỏ đá vôi lèn Đứt Chân, cách Nhà máy Xi măng Văn Hóa khoảng 500m, Tổng Giám đốc Công ty CP Vật liệu xây dựng Việt Nam (đơn vị đầu tư nhà máy) Phạm Hữu Thu cho biết: Hiện, sản lượng đá vôi chúng tôi gom được chỉ đủ cho SX đến hết quý III/2023. Để bảo đảm hoạt động SX và giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, chúng tôi rất mong cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư khai thác đá vôi khu vực phía Bắc lèn Đứt Chân.

 

“Việc xây dựng thêm công đoạn nghiền xi măng sẽ giúp DN giảm lượng clinker xuất khẩu, giảm xuất tài nguyên chưa chế biến sâu theo chủ trương của Chính phủ. Bởi vậy, chúng tôi rất mong nhận được sự phối hợp của các cấp chính quyền địa phương trong việc vận động nhân dân đồng thuận triển khai”, ông Thu cho biết thêm.

 

>>> Bài 1: “Càng sản xuất, càng lỗ”

 

Liên quan đến những khó khăn trong công tác đào tạo, sử dụng lao động, Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Hoài Nam cho rằng: Chính quyền các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền; cùng phối hợp với DN triển khai các chính sách thu hút lao động trên địa bàn vào làm việc tại các cơ sở chế biến gỗ xuất khẩu, SX vật liệu xây dựng và các dự án mới hoàn thành đưa vào hoạt động. Cùng với đó, cần có chính sách hỗ trợ DN đào tạo, đào tạo lại và đào tạo nâng cao để bảo đảm tay nghề đáp ứng nhu cầu phát triển SXKD.

 

Kinh phí đào tạo nghề cho lao động là không nhỏ. Cùng với đó, việc đóng các loại bảo hiểm phải được DN thực hiện nghiêm túc, đúng thời gian. Trong muôn vàn khó khăn đang gặp phải, cộng đồng DN trong tỉnh cũng mong muốn được gia hạn thời gian nộp tiền bảo hiểm nhưng vẫn có thể bảo đảm quyền lợi bảo hiểm y tế cho người lao động đến cuối năm 2023.

 

“Trong thời gian nhà máy buộc phải tạm dừng hoạt động hoặc SX cầm chừng, DN rất khó xoay xở nguồn tiền để đóng bảo hiểm kịp tiến độ, bởi thế, quyền lợi của người lao động cũng bị ảnh hưởng”, một chủ DN (xin được giấu tên) chia sẻ.

 

“Do tình hình kinh tế khó khăn, tỷ lệ lạm phát tăng cao tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu… khiến sức mua giảm, đẩy DN vào tình trạng thiếu đơn hàng, hiệu quả SXKD không cao. Vì thế, DN buộc phải hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng SX, khó duy trì lực lượng lao động có tay nghề đã qua đào tạo, việc tuyển dụng lao động mới cũng gặp nhiều khó khăn và chi phí đào tạo tăng cao”, Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Hoài Nam khẳng định.

 

https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202305/doanh-nghiep-trong-con-bi-cuc-2209554/

Các tin khác