Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 12

  • Hôm nay 19133

  • Tổng 9.486.382

Sản xuất hồi phục, hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu dệt may

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đang hồi phục tốt, trong 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng may mặc của cả nước tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 8,26% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ lần đầu tiên sau nhiều tháng đã hồi phục nhẹ so với thời điểm trước dịch Covid-19 – đây là tín hiệu tích cực đối với hoạt động xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ nói riêng và xuất khẩu hàng dệt may nói chung của Việt Nam.

 

Dự báo, xuất khẩu mặt hàng này của cả nước sẽ hồi phục tốt hơn trong những tháng tới nhờ một số căn cứ sau:

 

+ Theo thời vụ, các tháng trong quý 3 là thời điểm xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đạt cao nhất trong năm.

+ Đơn hàng dồi dào. Hầu hết doanh nghiệp ngành may đã có đủ đơn hàng sản xuất tới hết quý III/2024 và tiếp tục đàm phán ký kết cho quý IV/2024 - mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết.

+ Xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đang hồi phục tốt.

 

Tình trạng lạm phát tại các nền kinh tế lớn đang được kiểm soát tốt, giúp sức mua tăng. Lượng hàng tồn kho trong năm 2023 của các nhãn hàng đã giảm, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua Hiệp hội ngành hàng để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng. Thêm vào đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thời gian qua cũng đã chủ động đa dạng thị trường và khách hàng.

 

Các doanh nghiệp thời trang tại Hoa Kỳ và các nước lân cận đang tìm kiếm nguồn cung từ các chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc nên sản phẩm từ Việt Nam đang được quan tâm, trong đó xu hướng tìm kiếm các sản phẩm bền vững gia tăng.

 

Khảo sát mới đây của Hiệp hội Thời trang Hoa Kỳ (USFIA) về lợi thế cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may vào Hoa Kỳ cho thấy Việt Nam có tổng điểm số cao hơn Trung Quốc và Bangladesh khi các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển đổi nhà cung cấp khỏi Trung Quốc. Vì vậy, trong dài hạn, thị phần của ngành dệt may Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng tại thị trường này.

 

Kết quả khảo sát cũng cho thấy so với các quốc gia xuất khẩu dệt may khác, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang có lợi thế hơn nhờ vị trí địa lý, hệ thống cảng lớn, khả năng sản xuất đa dạng các sản phẩm giá trị cao như áo vest, áo khoác mùa đông, đồ bơi… với mẫu mã phong phú, giao hàng nhanh. Tuy nhiên, trong dài hạn, nếu các nước bắt kịp khả năng sản xuất thì ngành dệt may Việt Nam sẽ đối mặt nhiều thách thức.

 

Để tránh khả năng này, các doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh đầu tư công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất và cung ứng cũng như tham gia sâu vào chuỗi giá trị OBM (sản xuất dưới thương hiệu gốc) hoặc ODM (sản xuất theo thiết kế gốc) để tạo lợi thế cạnh tranh bền vững so với các nước khác.

 

+ Ngoài các thị trường lớn, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam sang thị trường Nga đang rất thuận lợi, mở ra triển vọng tích cực trong xuất khẩu thời gian tới.

 

Từ sau dịch Covid-19, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang Nga tăng trưởng rất cao. Các sản phẩm may mặc của Việt Nam có chất lượng cao, mẫu mã phù hợp với thị hiếu và xu hướng thời trang tại thị trường Nga. Đây là thời điểm hết sức thuận lợi để doanh nghiệp dệt may Việt Nam tăng cường hợp tác với Liên bang Nga trong lĩnh vực này… Tuy nhiên, dù tăng trưởng cao, nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Nga vẫn còn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam cũng như tổng nhập khẩu của Nga. Do đó, hợp tác trong lĩnh vực này giữa hai bên vẫn còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng.

 

+ Nhập khẩu các nguyên phụ liệu đang tăng ở mức cao nhất, cho thấy triển vọng khả quan trong hoạt động xuất khẩu. Trong tháng 7/2024, nhập khẩu nguyên phụ liệu của ngành dệt may Việt Nam đạt 2,41 tỷ USD, tăng 9,46% so với tháng 6/2024 và tăng tới 25,8% so với tháng 7/2023. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành dệt may ước đạt hơn 15,83 tỷ USD, tăng 15,65% so với 7 tháng đầu năm 2023 và tăng 10,43% so với cùng kỳ năm 2019.

 

+ Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cũng khởi sắc. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 7/2024 chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 2,6% so với tháng 6/2024 và tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số sản xuất trang phục của cả nước tăng 3,5% so với tháng 6/2024 và tăng 9,8% so với tháng 7/2024. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất trang phục của cả nước tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2023.

 

+ Mặt bằng lãi suất cho vay bình quân hiện nay của các ngân hàng đang ở mức hấp dẫn. Theo Ngân hàng Nhà nước công bố tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân là 8,3%, giảm 0,96% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Các diễn biến khó lường như xung đột quân sự Nga - Ukraine, bất ổn tại khu vực biển Đen, biển Đỏ… đều được các doanh nghiệp đưa vào tính toán trong các phương án kinh doanh, không còn là yếu tố bất ngờ. Bên cạnh đó, các yếu tố nội tại của ngành như năng lực nhuộm, dệt… còn hạn chế vẫn là những yếu tố cản trở xuất khẩu hàng dệt và may mặc của nước ta.

 

Dù vẫn còn nhiều tồn tại và thách thức, nhưng với những thuận lợi nêu trên, ngành dệt may Việt Nam kỳ vọng sẽ hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024.

 

Bảng 1: Chỉ số sản xuất ngành dệt, may của Việt Nam tháng 7/2024

Tháng 7/2024

7 tháng năm 2024 so với 7 tháng năm 2023 (%)

Ngành

So với tháng 6/2024 (%)

So với tháng 7/2023 (%)

Dệt

2,6

10,7

12,4

Sản xuất trang phục

3,5

9,8

6,2

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Bảng 2: Sản lượng sản xuất một số mặt hàng NPL ngành dệt và may mặc tháng 7/2024

Chủng loại

ĐVT

Tháng 7/2024

So với T6/2024 (%)

So với T7/2023 (%)

7 tháng năm 2024

So với 7 tháng năm 2023 (%)

Sợi tơ (filament) tổng hợp

Tấn

115.585

1,52

6,46

754.364

4,78

Sợi từ bông (staple) tổng hợp có tỷ trọng của loại bông này dưới 85%

Tấn

17.134

3,41

33,26

110.684

21,72

Sợi xe từ các loại sợi tự nhiên: bông, đay, lanh, xơ dừa, cói ...

Tấn

97.640

1,73

11,10

633.881

13,64

Vải dệt thoi khác từ sợi bông

Nghìn  m2

18.257

4,62

-34,49

113.077

35,78

Vải dệt thoi từ sợi bông có tỷ trọng bông từ 85% trở lên

Nghìn m2

36.578

-3,91

11,33

246.226

19,19

Vải dệt thoi từ sợi tơ (filament) nhân tạo

Nghìn m2

56.535

0,87

15,58

380.257

3,31

Vải dệt thoi từ sợi tơ (filament) tổng hợp

Nghìn m2

21.442

2,46

-1,99

139.921

-1,65

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê

Bảng 3: Tiêu thụ một số mặt hàng NPL dệt và may mặc tháng 7/2024

Chủng loại

ĐVT

Tháng 7/2024

So với tháng 6/2024 (%)

So với tháng 7/2023 (%)

7 tháng năm 2024

So với 7 tháng năm 2023 (%)

Sợi tơ (filament) tổng hợp

Tấn

114.494

7,91

6,32

752.396

4,55

Sợi từ bông (staple) tổng hợp có tỷ trọng của loại bông này dưới 85%

Tấn

16.435

3,30

34,41

107.752

19,47

Sợi xe từ các loại sợi tự nhiên: bông, đay, lanh, xơ dừa, cói ...

Tấn

91.285

0,29

8,38

634.258

22,75

Vải dệt thoi khác từ sợi bông

Nghìn  m2

18.558

4,31

-32,17

111.876

35,69

Vải dệt thoi từ sợi bông có tỷ trọng bông từ 85% trở lên

Nghìn m2

26.855

-7,94

-1,71

192.658

20,85

Vải dệt thoi từ sợi tơ (filament) nhân tạo

Nghìn m2

51.035

2,06

26,43

337.397

6,65

Vải dệt thoi từ sợi tơ (filament) tổng hợp

Nghìn m2

17.621

25,86

27,10

95.225

-0,81

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê


 Nguồn:Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại

Các tin khác