Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 9

  • Hôm nay 525

  • Tổng 8.186.442

Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và kế hoạch phát triển ngành Công Thương năm 2022

Xem với cỡ chữ : A- A A+
 

Thực hiện chương trình công tác năm 2021, Sở Công Thương Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và kế hoạch phát triển ngành Công Thương năm 2022.

 

I. KẾT QUẢ SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP, THƯƠNG MẠI NĂM 2021

1. Ước thực hiện chỉ tiêu kế hoạch năm 2021

1.1. Về Công nghiệp

a) Chỉ số sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước năm 2021 tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 5,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 70%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,0%.

b) Giá trị sản xuất công nghiệp

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2021 ước đạt 14.039 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm trước, trong đó: kinh tế nhà nước đạt 371 tỷ đồng, tăng 6,3%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 9.888 tỷ đồng, tăng 7,7%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 3.780 tỷ đồng, tăng 8,3%.

Theo ngành công nghiệp: công nghiệp khai khoáng đạt ước đạt 666 tỷ đồng, tăng 6,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 12.843 tỷ đồng, tăng 6,4%; sản xuất và phân phối điện ước đạt 417 tỷ đồng, tăng 88,2%; cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước đạt 113 tỷ đồng, tăng 5,5%.

Tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động và tăng thu ngân sách địa phương. Nhiều cơ sở đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm. Điển hình là các ngành nghề: viên nén năng lượng, mộc mỹ nghệ, kính cường lực, cơ khí sửa chữa, sản xuất trang phục, chế biến thủy hải sản, tinh bột nghệ, khoai deo, miến dong, sản xuất dược liệu, sơ chế nông sản, sản xuất dầu thực vật...

c) Sản phẩm chủ yếu

Sản phẩm tăng so với cùng kỳ năm 2020: Điện sản xuất 309 triệu KWh, tăng 361% (trong đó điện mặt trời đạt 90 triệu KWh, tăng 650%, điện thu hồi nhiệt đạt 82 triệu KWh, tăng 310%); Ván ép phủ phim đạt 85.000 m3, tăng 54,5%; Gỗ ván ghép thanh đạt 49.000 m3, tăng 53,1%; Viên nén năng lượng đạt 60.000 tấn, tăng 20%; Bia đóng chai đạt 4.000 nghìn lít, tăng 14%; Gạch không nung đạt 90 triệu viên, tăng 12,5%; Tinh bột sắn sản xuất đạt 15.000 tấn, tăng 8,3%; %; Nước tinh khiết đạt 29.000 triệu lít, tăng 7%; Điện thương phẩm đạt 1.075 triệu KWh, tăng 1,3%; Nước máy đạt 10.200 nghìn m3, tăng 6,4%.

Sản phẩm giảm so với cùng kỳ: Thủy điện đạt 32 triệu KWh, giảm 8,6%; Dăm gỗ đạt 320 nghìn tấn, giảm 6,7%; Nước khoáng đạt 10.000 nghìn lít, giảm 5,3%; Tôm đông lạnh đạt 260 tấn, giảm 0,8%.

d) Tình hình triển khai các dự án công nghiệp trên địa bàn

- Dự án Điện mặt trời Dohwa Lệ Thuỷ, tổng mức đầu tư 1.037 tỷ đồng, công suất 49,5MWp ( 65,8 triệu KWh/năm), đi vào hoạt động tháng 12/2020; 6 tháng đầu 2021 sản lượng đạt 33,68 triệu KWh, dự kiến cả năm 50 triệu KWh.

- Các dự án điện mặt trời áp mái, tổng công suất 46 MWp, 6 tháng đầu 2021 sản lượng đạt 22,37 triệu KWh, dự kiến cả năm 40 triệu KWh.

- Dự án Nhà máy Thuỷ điện Hố Hô, công suất 14 MW, 6 tháng đầu năm 2021 sản lượng đạt 13,62 triệu KWh, dự kiến cả năm 32,6 triệu KWh.

- Dự án Nhà máy sản xuất gỗ ván ép Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển Thăng Long giai đoạn 2, công suất 125.000 m3 ván lạng/năm, tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, hoàn thành quý IV/2020. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid -19 và thiếu lao động, hiện nay chỉ phát huy được 40% công suất.

- Dự án thu hồi nhiệt thải phát điện Nhà máy xi măng Sông Gianh (công suất 7,5MW) và Nhà máy clinker Văn Hoá (công suất 9,5MW) đã hoàn thành và được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tháng 3/2020, hiện nay phát điện và tiêu thụ nội bộ, sản lượng 6 tháng đầu 2021 đạt 40,8 triệu KWh, dự kiến cả năm 82 triệu KWh (chưa thoả thuận được với ngành điện để bán điện).

- Dự án dây chuyền sản xuất dầu thực vật xuất khẩu - Công ty Cổ phần chế biến Nông sản TAMICO (Khu công nghiệp Bắc Đồng Hới), tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng, công suất 3.000 tấn dầu/năm, hoàn thành tháng 8/2020. Dự kiến cả năm 2021 sản xuất đạt 2.200 tấn.

- Dự án điện gió B&T: Công suất 252MW, dự kiến đưa vào hoạt động ngày 31/10/2021, sản lượng điện ước đạt 105 triệu KWh.

- Dự án Nhà máy Thuỷ điện La Trọng, công suất 22 MW, dự kiến hoàn thành phát điện quý II/2022.

- Dự án dây chuyền nghiền xi măng Văn Hoá của Công ty Vật liệu Xây dựng Việt Nam: tổng mức đầu tư 2.816 tỷ đổng, công suất 1,8 triệu tấn xi măng /năm, hiện nay đang triển khai đầu tư, dự kiến đưa vào hoạt động quý III/2022.

- Dự án Nhà máy chất đốt sinh khối dạng viên nén của Công ty TNHH Thương mại & Xây dựng Trung Chính, công suất 200.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư  429 tỷ đồng, hiện nay đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng đề án vùng nguyên liệu cho Nhà máy. Dự kiến sẽ xây dựng nhà máy trong năm 2022.

                1.2. Về Thương mại

Năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 48.441 tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 102,7% so với kế hoạch năm 2021. Trong đó: tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 43.387 tỷ đồng, chiếm 89,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, đạt 105,8% so với kế hoạch năm 2021; doanh thu dịch vụ khách sạn nhà hàng ước đạt 3.330 tỷ đồng, chiếm 6,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, đạt 76,8% so với kế hoạch năm 2021; doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 70 tỷ đồng, chiếm 0,14% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, đạt 38% kế hoạch năm 2021; doanh thu dịch vụ khá cước đạt 1.654 tỷ đồng, chiếm 3,36% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, đạt 101,9% so với kế hoạch năm 2021.

                2. Kết quả đạt được, tồn tại, khó khăn và nguyên nhân

                2.1. Kết quả đạt được

Mặc dù trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự tác động của đại dịch Covid-19 nhưng trong năm 2021, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn vẫn duy trì tăng trưởng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,7% (mục tiêu kế hoạch tăng 7-7,5%), giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,8% (mục tiêu kế hoạch tăng 8-8,5%). Một số dự án công nghiệp đầu tư hoàn thành đang phát huy hiệu quả: Sản xuất điện, sản xuất gỗ ván ép, sản xuất trang phục, chế biến dầu thực vật, kính cường lực, chế biến hải sản (chả cá), viên nén năng lượng ...góp phần tăng trưởng sản xuất công nghiệp; trong đó, đặc biệt lĩnh vực sản xuất điện với các dự án mới hoàn thành: điện mặt trời (Dohwa Lệ Thuỷ, các dự án điện mặt trời áp mái), thu hồi nhiệt phát điện (Nhà máy xi Măng Sông Gianh, Văn Hoá) và dự án điện gió B&T, công suất 252MW, dự kiến đưa vào hoạt động ngày 31/10/2021. Lĩnh vực TTCN và ngành nghề nông thôn mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn tăng trưởng khá, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động và tăng thu ngân sách địa phương.

Để đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới, Chính phủ và UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp như kích cầu thị trường nội địa, giảm thuế, lệ phí cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2021 có mức tăng trưởng khá, thị trường giá cả ổn định đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân trên địa bàn.

                2.2. Một số khó khăn, tồn tại

Tình hình dịch Covid-19 trong cả nước nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, hàng tồn kho lớn; giá một số nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất công nghiệp tăng so với năm trước và cùng kỳ (xi măng, sắt thép, gỗ nguyên liệu...) ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất  kinh doanh trên địa bàn, sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp hơn kế hoạch đề ra; nhiều dự án công nghiệp chậm tiến độ (Nhiệt điện Quảng Trạch I, viên nén năng lượng...); tình hình kinh doanh trên địa bàn nhất là tại các chợ truyền thống, cửa hàng bách hóa tổng hợp, siêu thị, trung tâm thương mại…bị ảnh hưởng, lượng khách du lịch giảm cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động bán lẻ hàng hoá trên địa bàn. Phần lớn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều bị cắt giảm đơn hàng hoặc từ chối đơn hàng, việc nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất gặp khó khăn, đa số doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất.

Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động, đặc biệt tập trung ở các dự án sử dụng nhiều lao động và các dự án mới đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động như: may xuất khẩu, gỗ ván ép xuất khẩu, hải sản xuất khẩu… Nguồn lao động thường xuyên biến động, không ổn định ảnh hưởng đến thời gian giao hàng, chất lượng sản phẩm.

Trong quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu, phần lớn vùng nguyên liệu chế biến nông sản, lâm sản xuất khẩu chưa được quy hoạch tốt, thiếu tập trung, phân tán và không ổn định, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô lớn (sản xuất gỗ ván ép, viên nén năng lượng, dầu lạc, tinh bột sắn...).

Tiểu thủ công nghiệp mặc dù có tăng trưởng nhưng quy mô nhỏ, năng suất chất lượng sản phẩm thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định, sức cạnh tranh yếu.

Công tác giải phóng mặt bằng của các dự án công nghiệp gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I, đường dây 500kV mạch 3.

Các hoạt động xúc tiến thương mại bị gián đoạn hoặc không thể tổ chức theo Kế hoạch do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (Hội chợ thương mại, Hội nghị giao thương kết nối cung - cầu hàng hóa, các lớp tập huấn, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn….) làm ảnh hưởng lớn đến việc hỗ trợ các cơ sở kinh doanh giới thiệu quảng bá sản phẩm, mở rộng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Phần lớn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều bị cắt giảm đơn hàng hoặc từ chối đơn hàng, việc nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất gặp khó khăn, đa số doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất.

                2.3. Nguyên nhân

a) Nguyên nhân khách quan

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu nhập khẩu, thị trường xuất khẩu bị gián đoạn và thu hẹp đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng may mặc, chế biến gỗ xuất khẩu, sản xuất tinh bột sắn, sản xuất dăm gỗ và chế biến thuỷ hải sản xuất khẩu.

Năng lực mới tăng thêm trong sản xuất công nghiệp ít, chủ yếu là các dự án tiểu thủ công nghiệp có quy mô nhỏ; một số dự án công nghiệp có quy mô lớn đầu tư hoàn thành nhưng do thiếu lao động hoặc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn nên chưa phát huy hết công suất.

b) Nguyên nhân chủ quan

                Sự chỉ đạo điều hành, kiểm tra, đôn đốc của một số ngành, địa phương chưa quyết liệt, thiếu kịp thời trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện dự án và cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư.

                Công tác hỗ trợ, phối hợp giữa chính quyền - cơ sở đào tạo - doanh nghiệp - người lao động trong tuyển dụng còn thiếu đồng bộ, hạn chế.

Phần lớn doanh nghiệp của tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu vốn, khả năng tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại còn hạn chế, năng lực cạnh tranh hàng hóa, ngành hàng còn kém, giá thành cao, chấp lượng sản phẩm thấp so với chuẩn quốc tế.

Thị trường xuất khẩu chưa có nhiều thay đổi, các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm gỗ, cao su, tinh bột sắn… phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc; các doanh nghiệp của tỉnh chuyển hướng sang tiêu thụ tại thị trường nội địa dẫn đến tốc độ tăng trưởng không cao (như: thủy hải sản, cao su, gỗ ván ép…).

Công tác quy hoạch, kế hoạch và dự báo chưa lường hết khó khăn của nền kinh tế và diễn biến của thị trường.

                II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG THƯƠNG NĂM 2022

1. Đặc điểm tình hình

Năm 2022, kinh tế và thương mại toàn cầu dự báo tiếp tục phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Cạnh tranh chiến lược, căng thẳng thương mại giữa các nước diễn biến phức tạp. Tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng chậm hơn; các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng về cả tác động và cường độ; dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là đại dịch Covid-19.

Trong nước, tình hình chính trị - xã hội và kinh tế vĩ mô ổn định; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân ngày càng tăng lên...Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ phải tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế do chưa hoặc chậm được khắc phục cũng như về già hóa dân số, chênh lệch giàu nghèo, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn… Dự báo dịch bệnh sẽ được Chính phủ Việt Nam kiểm soát và các hoạt động kinh tế xã hội trong nước nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng sẽ dần phục hồi và dần trở lại ổn định, cơ chế chính sách của Nhà nước, của tỉnh sẽ có nhiều thay đổi theo hướng tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; cơ sở hạ tầng, dịch vụ được cải thiện và nâng lên một bước tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thương mại phát triển để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của cả thế giới và Việt Nam trước đại dịch Covid -19 như hiện nay, sẽ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức đối với sự phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Quảng Bình trong năm 2022.

2. Mục tiêu, nhiệm vụ sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại năm 2022

2.1. Mục tiêu

a) Về Công nghiệp

Năm 2022, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục duy trì tăng trưởng khá do có một số dự án mới đưa vào hoạt động (điện gió B&T, thu hồi nhiệt 2 nhà máy xi măng Sông Gianh và Văn Hóa, Thuỷ điện La Trọng, Trạm nghiền xi măng Văn Hóa, các dự án viên nén năng lượng, gỗ ván ép xuất khẩu…).

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2022 tăng 11,4% so với năm 2021.

Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) năm 2022 đạt 15.800 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2021.

Một số sản phẩm chủ yếu: Điện gió đạt 510 triệu KWh, tăng 385,7%; Gạch không nung đạt 110 triệu viên, tăng 22,2%; Thu hồi nhiệt đạt 100 triệu KWh, tăng 22%; Điện thương phẩm đạt 1.200 Triệu KWh, tăng 11,1%; Viên nén năng lượng đạt 70 nghìn tấn, tăng 16,7%; Thủy điện đạt 37 Triệu KWh, tăng 15,6%; Gỗ ván ghép thanh đạt 55.000 m3, tăng 12,2%; Điện mặt trời đạt 100 triệu KWh, tăng 11,1%...

b) Về Thương mại

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 phấn đấu đạt 52.520 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2021. Trong đó: tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 47.000 tỷ đồng, tăng 8,3% so với năm 2021; doanh thu dịch vụ khách sạn nhà hàng ước đạt 3.640 tỷ đồng, tăng 9,3% so với  năm 2021; doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 100 tỷ đồng, tăng 42,9% so với năm 2021; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.780 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2021.

2.2. Nhiệm vụ cụ thể

a) Về sản xuất công nghiệp

Phối hợp với các ngành tham mưu cho UBND tỉnh có những giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có, các dự án mới đầu tư đi vào sản xuất ổn định, khai thác tốt công suất thiết bị và hiệu quả đầu tư.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án để đưa vào hoạt động trong năm 2022: Dự án dây chuyền nghiền xi măng Văn Hoá của Công ty Vật liệu xây dựng Việt Nam; Dự án Nhà máy chất đốt sinh khối dạng viên nén của Công ty TNHH Thương mại & Xây dựng Trung Chính; Dự án Nhà máy Thuỷ điện La Trọng; giai đoạn 2 Nhà máy gỗ ván ép Quảng Phát; các dự án đường dây và TBA (500kV, 220kV, 110kV). Tiếp tục kêu gọi các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện khí, điện sinh khối...) và các dự án phát triển công nghiệp chế biến, gắn với các lợi thế về nguồn nguyên liệu nông, lâm, thủy sản nhằm nâng cao năng lực sản xuất và tốc độ tăng trưởng công nghiệp, thương mại của tỉnh năm 2022 và trong các năm tiếp theo.

b) Về thương mại nội địa

 Đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng trên địa bàn trong tình hình dịch bệnh Covid-19, lễ, tết và mùa mưa bão. Nâng cao chất lượng hoạt động thương mại, dịch vụ, thực hiện kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ sản phẩm. Phối hợp với Cục Quản lý thị trường trong công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các hành vi kinh doanh trái pháp luật, mà trọng tâm là hoạt động kinh doanh xăng dầu và đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện tốt việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

c) Về xuất nhập khẩu

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi và ưu tiên thu hút các dự án sản xuất hàng xuất khẩu mà tỉnh có lợi thế (may xuất khẩu, chế biến gỗ, chế biến thủy hải sản ...), hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trên địa bàn. Duy trì mối quan hệ với các thị trường truyền thống, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với các thị trường mới, thị trường có tiềm năng.

                3. Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương (vốn trong nước) năm 2021 và dự kiến kế hoạch năm 2022

(Chi tiết có phụ lục biểu 2 kèm theo)

4. Các giải pháp thực hiện kế hoạch 2022

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022, cùng với việc nghiêm túc triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh, Sở  Công Thương đề ra các giải pháp để tập trung chỉ đạo, thực hiện như sau:

4.1. Nhóm giải pháp về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp

- Tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, cơ chế chính sách của Nhà nước và của tỉnh về khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp - thương mại, các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh, các mô hình điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh để mọi người dân, các cơ sở sản xuất biết và tham gia thực hiện.

- Tập trung hoàn thành nhiệm vụ xây dựng các đề án, cơ chế chính sách trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Lồng ghép các chương trình, đề án để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp.

- Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp. Phối hợp với các ngành liên quan tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có, các dự án mới đầu tư đi vào sản xuất ổn định, khai thác tốt công suất thiết bị và hiệu quả đầu tư.

- Tập trung phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm: Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I và Nhiệt điện Quảng Trạch II; Dự án đường dây 500 KV (mạch 3) đoạn qua tỉnh Quảng Bình đảm bảo đúng tiến độ.

- Tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án để đưa vào hoạt động trong năm 2022: Dự án dây chuyền nghiền xi măng Văn Hoá của Công ty Vật liệu Xây dựng Việt Nam; Dự án Nhà máy chất đốt sinh khối dạng viên nén của Công ty TNHH Thương mại & Xây dựng Trung Chính; Dự án Nhà máy Thuỷ điện La Trọng; giai đoạn 2 Nhà máy gỗ ván ép Quảng Phát; các dự án đường dây và TBA (500kV,220kV, 110kV). Tiếp tục kêu gọi các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện khí, điện sinh khối...) và các dự án phát triển công nghiệp chế biến, gắn với các lợi thế về nguồn nguyên liệu nông, lâm, thủy sản nhằm nâng cao năng lực sản xuất và tốc độ tăng trưởng công nghiệp, thương mại của tỉnh năm 2022 và trong các năm tiếp theo.

- Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công về hướng dẫn chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn khuyến công của trung ương và địa phương hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các tổ chức, hộ kinh doanh để khuyến khích phát triển sản xuất.

- Đầu tư cải tạo, mở rộng nâng cao chất lượng điện năng phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Phối hợp với các ngành chức năng, các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia tỉnh Quảng Bình.

4.2. Nhóm giải pháp về phát triển thương mại nội địa và quản lý giá cả thị trường

- Tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn trong tình hình dịch bệnh Covid -19, lễ, tết và mùa mưa bão. Tổng hợp thông tin về khả năng cung ứng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết yếu trong tỉnh phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid -19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế.

- Tập trung củng cố thị trường nội địa, phát triển mở rộng mạng lưới kinh doanh thương mại ở cả ba khu vực thành phố, nông thôn, miền núi; gắn sản xuất với lưu thông hàng hóa nhằm tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân và doanh nghiệp, khuyến khích phát triển sản xuất, duy trì tốc độ tăng trưởng  kinh tế của tỉnh.

- Tăng cường công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ các sản phẩm địa phương kết nối tiêu thụ thị trường trong nước; chủ động liên hệ với Bộ Công Thương, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại của các tỉnh, thành phố hỗ trợ cung ứng nguồn hàng khi cần thiết. Quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản, hàng hóa sản xuất của tỉnh Quảng Bình trên sàn Giao dịch Thương mại điện tử của tỉnh, kết nối các kênh bán hàng trực tuyến, online cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Quảng Bình.

- Phối hợp với Cục quản lý thị trường đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung; tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng nông sản nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận thương mại khác.

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam“; triển khai có hiệu quả đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tập trung tiêu thụ hàng hóa thị trường nội địa, giải quyết đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa tiến tới xuất khẩu.

 

4.3. Nhóm giải pháp về đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu

 

- Hỗ trợ cung cấp thông tin cho doanh nghiệp kịp thời tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu.

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với các thị trường mới, thị trường có tiềm năng để tiêu thụ sản phẩm, trước mắt là thị trường Lào và thị trường các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan; sau đó là thị trường trong khu vực, thị trường 11 nước trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương  (CPTPP), thị trường EU...

- Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu đặc trưng cho các sản phẩm hàng hoá chủ lực của tỉnh như: chế biến thủy sản, cao su, chế biến gỗ, xi măng, bia, may mặc, phân bón...

4.4. Nhóm giải pháp về công tác quản lý nhà nước và cải cách hành chính

- Tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước và của tỉnh về khuyến khích phát triển sản xuất công nghiệp, xúc tiến thương mại, các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh, các mô hình điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh để mọi người dân biết và thực hiện.

- Phối hợp chặt chẽ với các ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, thương mại, điện năng, khoa học công nghệ, VLNCN và công tác Khuyến công và Xúc tiến thương mại theo quy định của Nhà nước. 

- Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 tại Sở Công Thương để giải quyết nhanh gọn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân khi đến liên hệ giải quyết công việc. Tăng cường siết chặt kỷ cương, kỷ luật, nêu cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ, tác phong, lề lối làm việc trong đội ngũ cán bộ công chức và người lao động; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức, đơn vị để nâng cao hiệu quả công tác và hiệu lực quản lý.

III. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

Kính đề nghị UBND tỉnh:   

1. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp với Sở Công Thương kịp thời xử lý các vướng mắc cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai các dự án công nghiệp trên địa bàn để thực hiện đúng tiến độ.

2. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong tỉnh ưu tiên dùng hàng Việt Nam, trong đó ưu tiên lựa chọn sử dụng hàng hóa và dịch vụ do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất và cung cấp như xi măng, gạch ceramic, gạch không nung, bia Hà Nội - Quảng Bình, phân bón... nhằm khuyến khích sản xuất phát triển.

3. Bố trí nguồn vốn thực hiện các dự án điện theo đề xuất tại phụ lục, trong đó đặc biệt là dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch, Huyện Bố Trạch để đảm bảo đạt mục tiêu về xây dựng nông thôn mới tiêu chí 4 (về điện), phục vụ đời sống. Sản xuất của nhân dân, góp phần tăng cường QP-AN nơi biên giới.

4. Xem xét bố trí nguồn vốn khuyến công và xúc tiến thương mại để triển khai có hiệu quả Chương trình Khuyến công, kế hoạch Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình.

Trên đây là báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021và kế hoạch phát triển ngành Công Thương năm 2022 của Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình./.

Phụ lục 1: Kết quả thực hiện Công nghiệp năm 2021 và KH năm 2022

Phụ lục 2: Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư vốn ngân sách TW

Các tin khác