Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 1086

  • Tổng 8.244.944

Chợ truyền thống lao đao trong cơn suy thoái

Font size : A- A A+

Chưa kịp “trở dậy” sau các đợt dịch Covid-19, đang tiếp tục “chạy đua” với xu hướng mua hàng online thì suy thoái kinh tế toàn cầu lại “đánh” vào sức mua của người tiêu dùng khiến chợ truyền thống vốn đang gặp khó lại càng lao đao.

 

Nằm ở trung tâm thành phố, chợ Đồng Hới vốn là khu chợ sầm uất, là địa chỉ tham quan trong hành trình khám phá Quảng Bình của nhiều khách du lịch. Những năm trước đây, vào mùa hè, đúng dịp cuối tuần, chợ thường đón lượng khách đến mua sắm rất đông, tạo nên khung cảnh nhộn nhịp, sầm uất.Vậy nhưng, từ đầu năm đến nay khung cảnh vắng vẻ, đặc biệt tại nhiều dãy quầy kinh doanh các mặt hàng quần áo, giày dép, thiết bị gia dụng,...

 

Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý chợ Đồng Hới, số hộ kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu tại 4 chợ lớn trên địa bàn (chợ Đồng Hới, Nam Lý, Công đoàn, Cộn) giảm sút 12%, từ 1.700 hộ (năm 2019), xuống còn 1.500 hộ (năm 2023). Nhưng thực tế, số hộ bỏ, không kinh doanh trực tiếp tại chợ cũng đã chiếm 10% trong số đăng kí này. 

Không có khách, chủ các quầy hàng “giết” thời gian rảnh rỗi bằng giải trí qua điện thoạihay tranh thủ tập thể dục... Nhưng họ vẫn luôn canh cánh nỗi lo về chi tiêu sinh hoạt hàng ngày của gia đình khi việc buôn bán trong tình cảnh ế ẩm kéo dài.

Bà Nguyễn Thị Hằng, tiểu thương kinh doanh quần áo tại chợ Đồng Hới cho biết: Nếu hồi trước, quầy bán được 1-2 triệu đồng, thì giờ chỉ bán được vài trăm nghìn đồng. Có ngày được 1 khách, có ngày được 2 khách. Thuế không giảm, các phí dịch vụ thì vẫn như vậy, điện vẫn phải dùng... nên chúng tôi rất khó khăn.

Vắng khách, tiểu thương “giết” thời gian rảnh rỗi bằng các hình thức giải trí qua điện thoại.

Vắng khách, tiểu thương “giết” thời gian rảnh rỗi bằng các hình thức giải trí qua điện thoại.

“Chưa bao giờ, tôi thấy chợ ế ẩm như thế này. Từ khi có dịch Covid-19 đến giờ, buôn bán ngày càng đi xuống nhưng đầu năm tới nay là thấp nhất. Chị em chúng tôi buôn bán chỉ nuôi được bản thân chứ có nuôi được ai trong gia đình đâu”, bà Hạnh, một tiểu thương đã có gần 30 năm bán hàng tại chợ Đồng Hới chia sẻ.

 

Là chợ lớn thứ 2 trên địa bàn TP. Đồng Hới, chợ Nam Lý cũng trong tình cảnh không khá khẩm gì hơn. Lác đác mới có một ít khách lai vãng nhưng số dừng lại xem, mua hàng không nhiều. Chị Phan Thị Lạc, tiểu thương chợ Nam Lý cho biết: Cả chợ được vài người mà người bán nhiều hơn người mua. Mấy năm trước, kể cả khi đang có dịch, việc buôn bán vẫn còn đỡ, chứ năm nay đúng là quá ế. Chị Ngoan, tiểu thương ở hàng giày dép tiếp lời: Ngày bán được vài ba trăm, cả vốn lẫn lời, có ngày không “mày xưa” (mở hàng), con 3 đứa, nhà còn thuê trọ. Buôn bán ế ẩm thì không đủ tiền chi phí cho sinh hoạt gia đình, mọi khoản chi tiêu chủ yếu nhờ vào chồng làm shipper.

Từ đầu năm đến nay, các quầy hàng ở tầng 2 chợ Nam Lý thường xuyên trong tình trạng ế ẩm.

Từ đầu năm đến nay, các quầy hàng ở tầng 2 chợ Nam Lý thường xuyên trong tình trạng ế ẩm.

Khi đặt vấn đề, kết hợp bán online bên cạnh bán trực tiếp tại chợ, không ít tiểu thương cho rằng, không phải ai cũng có lợi thế để có thể bán hàng qua mạng, hơn nữa kinh tế suy thoái, người dân làm ăn khó khăn, không có thu nhập nên sức mua giảm, kể cả buôn bán online.

 

“Có ngày lời được 100-200 nghìn đồng; có ngày lời được vài chục nghìn đồng nhưng có những khi, cả mấy ngày không bán được đồng nào, về tay trắng. Một số hộ kinh doanh không được, bán hàng tống tháo, chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác và cho thuê lại ki-ốt. Tôi già rồi không “quay trở” được, vốn đã bỏ vào đây hết rồi nên vẫn phải đi chợ, cố duy trì chờ xem tình hình có khá hơn không”, bà Đặng Thị Loan, chủ một quầy vải ở chợ Đồng Hới cho biết.

Chợ Đồng Hới cũng không tránh khỏi số phận chung với các chợ truyền thống hiện nay.

Chợ Đồng Hới cũng không tránh khỏi số phận chung với các chợ truyền thống hiện nay.

Xu hướng mua hàng online, cùng với kinh tế suy thoái là những nguyên nhân chính khiến sức mua trực tiếp ở chợ truyền thống bị giảm. Cầm cự trong thời gian khó khăn, chờ sự phục hồi kinh tế là tâm lý chung của không ít tiểu thương ở thời điểm này.

 

Bà Lê Thị Hằng Nga, Đội trưởng Đội Quản lý chợ Đồng Hới cho rằng: Buôn bán ở chợ truyền thống phải chịu chi phí mặt bằng, thuế, các chi phí dịch vụ khác nên chắc chắn sẽ khó cạnh tranh về giá so với kinh doanh online. Tuy nhiên, tiểu thương ở chợ cũng nên lưu ý trong văn hóa kinh doanh, như: Bán hàng thân thiện, bảo đảm chất lượng sản phẩm và theo đúng giá niêm yết rõ ràng, công khai để tạo niềm tin, kéo khách về với mình.

 

Ông Võ Quốc Thịnh, Trưởng ban Quản lý chợ Đồng Hới cho biết: Việc kinh doanh khó khăn tại chợ cũng đã ảnh hưởng đến đời sống của các tiểu thương cũng như công tác quản lý của ban, gây khó khăn trong công tác thu nợ, cơ cấu sắp xếp các ngành hàng. Chúng tôi động viên tiểu thương vượt qua khó khăn đồng thời cố gắng nâng cấp cơ sở vật chất, cải thiện các dịch vụ (điện, nước, vệ sinh môi trường,..) tốt hơn, tạo điều kiện cho họ chuyển đổi ngành hàng.

 

https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202307/cho-truyen-thong-lao-dao-trong-con-suy-thoai-2210990/

More