Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 1192

  • Tổng 8.298.717

Chú trọng thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Font size : A- A A+

 Trong những năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành đã và đang có những hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

 

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các cấp, ngành đã thường xuyên thông tin cho người tiêu dùng nhận biết về hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khuyến khích người tiêu dùng lên án, tẩy chay hàng hóa của doanh nghiệp vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Công tác tuyên truyền thực hiện Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng được đẩy mạnh trong các tầng lớp Nhân dân thông qua băng rôn, khẩu hiệu trên các tuyến đường phố chính, chợ trung tâm thành phố Đồng Hới, các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các sở, ngành cũng chú trọng tập huấn pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản có liên quan cho hộ tiểu thương, người dân ở các huyện, thị xã, thành phố. Giai đoạn 2011 - 2021 các sở, ngành đã tổ chức và phối hợp tổ chức 53 buổi hội thảo; 74 hội nghị; 182 buổi tập huấn; 63 lần mít tinh cổ động, tuần hành; thực hiện 812 lần phát thanh, truyền hình; phát 15.927 tờ rơi và 4.036 quyển sách, báo, tài liệu tuyên truyền về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Mặt khác, UBND tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn; tiếp nhận tố cáo của người tiêu dùng và giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật; có giải pháp hiệu quả phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền lợi, sức khỏe, gây thiệt hại hoặc đe dọa đến tính mạng, an toàn của người tiêu dùng; đẩy mạnh hoạt động phân tích, kiểm định, đánh giá, kiểm soát, kiên quyết không để lưu thông trên thị trường những hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng.
 
Đặc biệt, công tác kiểm tra, kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn chặn các hành vi lợi dụng chính sách kích cầu, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt để tiêu thụ hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng được triển khai thực hiện thường xuyên. Các sở, ngành đã chú trọng giám sát việc đăng ký, kê khai và niêm yết giá, bán hàng theo giá đăng ký, bảo đảm hàng có nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các nhà hàng, khách sạn, hộ kinh doanh ăn uống, cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng thực phẩm; ngăn chặn, xử lý nghiêm trường hợp mua bán, vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép không rõ nguồn gốc vào địa bàn tỉnh; kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc hoặc bị bệnh, chết lưu thông trên thị trường; thành lập các chốt kiểm dịch, đội kiểm dịch lưu động trên các tuyến giao thông chính. UBND tỉnh cũng chỉ đạo tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất và kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh như: Khí dầu mỏ hóa lỏng, thiết bị điện, điện tử, xăng dầu, vật liệu xây dựng, đồ chơi trẻ em, mũ bảo hiểm, vàng... Các ngành Khoa học - Công nghệ, Công Thương, Y tế, Quản lý thị trường và Công an cũng đã thường xuyên tổ chức, phối hợp kiểm tra, thanh tra về đo lường, chất lượng hàng hóa đối với hàng đóng gói sẵn ở những cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra phát hiện và xử lý ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về đo lường, chủ yếu như sử dụng phương tiện đo không có kẹp chì theo quy định; sai số của phương tiện đo vượt quá giới hạn sai số cho phép; sử dụng phương tiện đo hết thời hạn kiểm định; khối lượng của hàng đóng gói sẵn bị thiếu so với công bố của nhà sản xuất nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo sự công bằng và cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh. Các phương tiện đo lường đều liên quan mật thiết đến nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của đại bộ phận người dân như phương tiện đo trong lĩnh vực y tế, cân trong kinh doanh vàng, taximet, cân ô tô, công tơ điện, các nhu yếu phẩm sinh hoạt phục vụ cuộc sống hàng ngày... đã được kiểm soát tốt, góp phần đảm bảo an toàn, sức khỏe, lợi ích của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.
 
Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết, Tháng hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở vật tư nông nghiệp, thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện ở tất cả các khâu từ sản xuất ban đầu đến sơ, chế biến, lưu thông trên thị trường, qua đó đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, góp phần nâng cao chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và nhận thức của cộng đồng trong việc đảm bảo chất lượng. Nhờ đó, tình hình vi phạm pháp luật cũng giảm dần qua các năm.
 
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhưng công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Người tiêu dùng chưa nhận biết đầy đủ được quyền lợi của mình khi đi mua sắm và quyền lợi chính đáng đó được pháp luật bảo vệ. Bên cạnh đó, người tiêu dùng hiện nay chưa quan tâm đến việc lấy hóa đơn, chứng từ, kiểm tra, xem xét hàng hóa trước khi nhận hàng. Bởi vậy khi sự cố xảy ra không có cơ sở để giải quyết, nhiều người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi nhưng chưa được hỗ trợ, xử lý. Việc phối hợp và triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng gặp nhiều khó khăn; công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh chưa hiệu quả; hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa thiết thực...
 
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; đa dạng hóa phương thức truyền thông, đổi mới nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng tiêu dùng cho toàn xã hội; công khai, minh bạch và thông tin rộng rãi, đầy đủ bằng nhiều hình thức phù hợp đến người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và cảnh báo những nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, đưa việc đáp ứng các nhu cầu, nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thành trách nhiệm, động lực và lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong tỉnh; đưa công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh trở thành hoạt động phổ biến nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, liên tục, lâu dài từ cấp tỉnh đến cấp xã và trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các nhà sản xuất có uy tín, tạo lập môi trường tiêu dùng an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân.
 
Theo: https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/chu-trong-thuc-hien-chinh-sach-phap-luat-ve-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung.htm

 

More