Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 331

  • Tổng 8.297.856

Ngày này năm xưa 13/10: Bác Hồ gửi thư cho giới Công Thương Việt Nam

Font size : A- A A+

Ngày này năm xưa 13/10, Bác Hồ gửi thư cho giới Công Thương Việt Nam; Ngày Doanh nhân Việt Nam.

 

Chuyên mục “Ngày này năm xưa” Báo Công Thương tổng hợp, giới thiệu những sự kiện trong nước, ngành công thương và quốc tế; các sự kiện liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 13/10.

 

Sự kiện trong nước

 

Ngày 13/10/2004: Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 990/QĐ-TTg ban hành ngày 20/9/2004 lấy ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với các doanh nhân, đại biểu tham dự buổi gặp mặt chiều 11/10/2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với các doanh nhân, đại biểu tham dự buổi gặp mặt chiều 11/10/2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

 

Ngày 13/10/1968, mẹ Nguyễn Thị Suốt hy sinh trong khi đang chèo đò chở bộ đội qua sông. Trong những năm giặc Mỹ leo thang chiến tranh, tăng cường bắn phá miền Bắc, Quảng Bình là một vùng đất lửa ác liệt. Mẹ Suốt đã dũng cảm chèo đò qua sông Nhật Lệ, chuyên chở bộ đội, hàng hóa, vũ khí từ bờ Bắc sang bờ Nam, trung bình mỗi năm khoảng 1.400 chuyến đò. Tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ IV (1966) tổ chức ở miền Bắc, mẹ Suốt được mời ra tham dự. Ngày 1/1/1967, mẹ được phong tặng danh hiệu “Anh hùng ngành Giao thông vận tải trong chống Mỹ cứu nước”.

 

Mẹ Nguyễn Thị Suốt và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ IV (1966). Ảnh: quangbinh.gov.vn
Mẹ Nguyễn Thị Suốt và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ IV (1966). Ảnh: quangbinh.gov.vn

 

Ngày 13/10/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định số 174/HÐBT thành lập Liên hiệp Các xí nghiệp cà phê Việt Nam (nay là Tổng công ty Cà phê Việt Nam), trên cơ sở sáp nhập Công ty Cà phê - ca cao Việt Nam, 3 sư đoàn quân đội (sư đoàn 331, 333, 359) đang đóng quân trên mặt trận Tây Nguyên và một số nông trường cà phê của các tỉnh Ðắk Lắc, Gia Lai, Kon Tum...

 

Ngày 13/10/1998, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 68/1998/QĐ-BCN về việc ban hành Bộ định mức tổng hợp và đơn giá dự toán cho công tác giải đoán tư liệu viễn thám địa chất.

 

Ngày 13/10/2003, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 163/QĐ-BCN về việc chuyển Công ty Vật liệu Mỏ - Địa chất thành Công ty cổ phần Vật tư Mỏ - Địa chất.

 

Ngày 13/10/2003, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 162/2003/QĐ-BCN về việc chuyển Công ty Hóa chất Vĩnh Thịnh thành Công ty cổ phần Hóa chất Vĩnh Thịnh.

 

Ngày 13/10/2004, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 110/2004/QĐ-BCN về việc sửa đổi Khoản 1, Điều 1, Quyết định 85/2004/QĐ-BCN ngày 1/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc chuyển Nhà máy Chế tạo kết cấu thép Đà Nẵng thành Công ty cổ phần Chế tạo kết cấu thép Đà Nẵng.

 

Ngày 13/10/2004, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 111/2004/QĐ-BCN về việc chuyển Nhà máy Cơ khí Yên Viên thuộc Công ty Sản xuất thiết bị điện thành Công ty cổ phần Cơ khí Điện lực.

 

Ngày 13/10/2006, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định số 35/QĐ-BCN về việc ban hành Quy phạm kỹ thuật khai thác hầm lò than và diệp thạch.

 

Sự kiện quốc tế

 

Ngày 13/10/1773, nhà thiên văn học Charles Messier khám phá ra Thiên hà Xoáy nước, một thiên hà xoắn ốc đang va chạm, nằm cách đây vào khoảng 23 triệu năm ánh sáng trong chòm sao Lạp Khuyển.

 

Ngày 13/10/1792, Nhà Trắng (the White House), công trình gồm văn phòng và nơi ở của Tổng thống Hoa Kỳ, bắt đầu được khởi công xây dựng. Công trình do kiến trúc sư người Ireland James Hoban thiết kế và được hoàn thành sau 8 năm. Tổng thống thứ hai của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ John Adams đã trở thành ông chủ đầu tiên của tòa nhà này vào ngày 1/11/1800.

 

Ngày 13/10/1925, là ngày sinh của nữ Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Với việc trở thành Thủ tướng Anh vào năm 1979, bà đã trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này ở châu Âu. Bà cũng là Thủ tướng Anh duy nhất chiến thắng ba nhiệm kỳ liên tiếp trong thế kỷ 20, đồng thời là vị Thủ tướng tại vị lâu nhất của Anh (11 năm) kể từ năm 1827.

 

Sự kiện, kỷ niệm về Bác Hồ

 

Ngày 13/10/1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời được một tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi cho giới Công Thương Việt Nam. Trong bức thư này Bác Hồ đã nhấn mạnh vai trò to lớn của giới Công Thương trong công cuộc kiến thiết đất nước.

 

"Cùng các ngài trong giới Công Thương, được tin giới Công Thương đã đoàn kết lại thành Công Thương cứu quốc đoàn và gia nhập vào mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng.

 

Hiện nay Công Thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích quốc lợi dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng.

 

Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng.

 

Vậy, tôi mong giới Công Thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập Công Thương cứu quốc đoàn, cùng đem vốn vào làm công cuộc ích quốc lợi dân".

 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các nhà tư sản Hà Nội trước Bắc Bộ Phủ vào ngày 18-9-1945. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các nhà tư sản Hà Nội trước Bắc Bộ Phủ vào ngày 18-9-1945. Ảnh: TTXVN

 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, từ thân phận nô lệ ở một nước thuộc địa, nhân dân ta đã trở thành chủ nhân thực sự của một nước Việt Nam độc lập. Song Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, đặc biệt là những khó khăn về kinh tế, tài chính. Quốc khố gần như trống rỗng, kinh tế kiệt quệ, chưa thu được thuế, Ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay tư bản Pháp, ngân quỹ Chính phủ chỉ vẻn vẹn có 1,25 triệu đồng Đông Dương, nhưng trong đó có tới 580 nghìn đồng rách nát đang chờ tiêu huỷ, các khoản nợ của chính phủ bù nhìn, tay sai để lại lên đến 564 triệu đồng... Tình hình đó đòi hỏi chính quyền cách mạng cần nhanh chóng có biện pháp bảo đảm tài chính, tạo cơ sở vững chắc để có thể tiến hành các nhiệm vụ cách mạng quan trọng tiếp theo.

 

Thời điểm đó, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra chủ trương tổ chức “Tuần lễ Vàng” động viên nhân dân tình nguyện ủng hộ xây dựng “Quỹ Độc lập”. Hưởng ứng chủ trương của Bác và chính phủ mới, các doanh nhân, các nhà tư sản dân tộc đã đóng góp vào các quỹ này trên 20 triệu đồng Đông Dương và khoảng 370kg vàng. Trong số đó, tiêu biểu là vợ chồng doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ và Trịnh Văn Bô đóng góp hơn 5.000 lượng vàng.

 

Đặc biệt, một bộ phận của giới Công Thương đã tập hợp lại thành “Công - Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập Việt Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi hoan nghênh hành động này và nhấn mạnh: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng, để khẳng định vai trò quan trọng của lực lượng Công-Thương nghiệp trong việc kiến thiết nền kinh tế, tài chính quốc gia".

 

Người viết: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng,” để lý giải thêm lý do tại sao hoạt động Công - Thương, hoạt động kinh doanh sản xuất không nên tách rời khỏi nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Theo lời Người, mọi sự đóng góp không quan trọng nhiều hay ít, mà quan trọng là tấm lòng của từng người dân với công cuộc kiến thiết đất nước, cũng như để chính quyền cách mạng có được nguồn lực bảo vệ nền độc lập của nước nhà.

 

Đã 78 năm trôi qua kể từ ngày Bác Hồ gửi thư cho giới Công - Thương, nhưng bài học về huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc mà Bác đã nêu ra vẫn còn nguyên giá trị.

 

Ngày 13/10/1949, Bác gửi thư tới “các võ quan và các chiến sĩ Đội quân Bắc Phi Độc lập”, một lực lượng nhỏ gồm một số binh sĩ người Bắc Phi trong quân đội viễn chinh Pháp phản chiến chạy sang phía Việt Nam. Họ đã được tổ chức lại để làm công tác tuyên truyền, kêu gọi binh lính địch phản chiến. Trong thư, Người khẳng định: “Người Việt Nam, người Bắc Phi cũng như những người bạn ở các thuộc địa Pháp khác, chúng ta đoàn kết chặt chẽ và cùng có chung một lý tưởng: Đập tan chế độ thực dân Pháp và giành lại độc lập.”

 

Ngày 13/10/1949, Báo Cứu quốc đăng bài trả lời phỏng vấn của Bác với nhà báo A.Steele, phóng viên tờ “New York Herald Tribune” của Mỹ. Trả lời câu hỏi về việc “thành lập một khối liên hợp hay đồng minh giữa các nước châu Á”, Bác cho rằng: “Bất kỳ sự liên hợp hay đồng minh nào nhằm mục đích làm cho các nước giúp đỡ lẫn nhau và cộng tác thân thiện với nhau để bảo vệ độc lập, hoà bình và dân chủ đều là tốt cả”.

 

Về những chính sách đối nội, Bác khẳng định: “Những sự cải cách xã hội mà nhân dân Việt Nam đang thực hiện là đủ ăn, đủ mặc và đủ điều kiện để học tập. Những thắng lợi đã đạt được là: Thủ tiêu xong một phần nạn mù chữ, nạn hút thuốc phiện, cờ bạc và các hủ tục khác, thắng nạn đói”. Cuối cùng, Bác đặt vấn đề ngược lại: “Tôi muốn hỏi nhân dân Mỹ một câu này, và mong ông cho tôi biết những câu trả lời của nhân dân Mỹ: Nếu Pháp hoặc một ai khác xâm phạm nước Mỹ, giết người, đốt phá thành phố và làng mạc Mỹ, với mục đích là để bắt Mỹ làm nô lệ, thì nhân dân Mỹ sẽ đối phó như thế nào?”.

 

https://congthuong.vn/ngay-nay-nam-xua-1310-bac-ho-gui-thu-cho-gioi-cong-thuong-viet-nam-278236.html

More