Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 10

  • Hôm nay 2995

  • Tổng 8.376.822

Lĩnh vực Thương mại điện tử trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)

Font size : A- A A+

Ngày 4/2/2016, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết tại Auckland - New Zealand với sự góp mặt của tất cả 12 quốc gia thành viên. Sự kiện này được xem là một bước đi lớn của nền kinh tế toàn cầu, được đánh giá sẽ có tác động lớn đến nhiều lĩnh vực trong ngành thông tin và truyền thông, trong đó có thương mại điện tử (TMĐT). Vậy lĩnh vực TMĐT được quy định như thế nào trong TPP và những ảnh hưởng của nó đối với lĩnh vực TMĐT ở Việt Nam? 

 

Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới đã đạt được thỏa thuận cuối cùng sau 5 năm với tổng số 30 chương về các điều chỉnh thương mại cùng các vấn đề có liên quan. Trong đó, lĩnh vực TMĐT được quy định rất cụ thể trong chương 14 với mục đích chính là hướng tới việc phát triển kinh tế số của các nước thành viên trong cộng đồng TPP. Để đạt được mục tiêu đó, tại điều 14.2, các bên đã thừa nhận sự tăng trưởng kinh tế hoặc các cơ hội mang lại từ hoạt động thương mại điện tử và tầm quan trọng của các cơ chế pháp lý giúp thúc đẩy lòng tin của người tiêu dùng vào hoạt động TMĐT cũng như tầm quan trọng của việc tránh áp dụng các rào cản không cần thiết đối với hoạt động khai thác và phát triển hoạt động TMĐT. Các bên cũng cam kết bảo đảm luồng thông tin và dữ liệu mang tính toàn cầu được lưu chuyển một cách tự do, giúp phát triển nền kinh tế Internet và kỹ thuật số; đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ nguyên tắc nội địa của mỗi quốc gia dựa trên các nguyên tắc của Luật Mẫu trong TMĐT của Uỷ ban Luật Thương mại quốc tế của Liên Hiệp Quốc (UNCITRAL) năm 1996 và Công ước Chứng từ điện tử của Liên Hiệp Quốc năm 2005 ( Điều 14.5).

Một trong những điểm đáng chú ý trong hiệp định đó là những ưu đãi về thuế quan. Cụ thể: Không bên nào được phép đánh thuế hải quan lên các hoạt động truyền phát tín hiệu điện tử (điều 14.3 ), đồng thời không cho phép các nước thành viên ưu đãi các nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp sản phẩm truyền tin điện tử nội địa bằng cách áp dụng các biện pháp mang tính phân biệt đối xử hay khóa, chặn hoàn toàn việc truyền tin ( điều 14.4). Đây chính là cơ hội lớn để cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận với các sản phẩm nội dung số trong khuôn khổ TPP.


Để bảo vệ người tiêu dùng, TPP cũng đã có quy định về bảo vệ khách hàng qua mạng (điều 14.7), bảo vệ thông tin cá nhân (điều 14.8). Trong đó nêu rõ, mỗi bên phải ban hành hoặc duy trì các luật bảo vệ người tiêu dùng liên quan đến các hoạt động thương mại gian lận và lừa bịp trực tuyến và đảm bảo rằng sự riêng tư và sự bảo vệ người tiêu dùng khác sẽ có hiệu lực tại các thị trường TPP. Các quốc gia thành viên cũng được yêu cầu phải có các biện pháp để chấm dứt các tin nhắn thương mại điện tử được gửi đi không do yêu cầu.


Bên cạnh đó, TPP cũng khuyến khích các nước thành viên thúc đẩy thương mại không giấy tờ giữa các doanh nghiệp và chính phủ, chẳng hạn như các mẫu khai thuế quan được đưa ra dưới dạng điện tử, cũng như cung cấp chứng minh xác thực và chữ ký điện tử cho các giao dịch thương mại...


Có thể thấy, việc phát triển, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ nội dung số được dự đoán sẽ là một lĩnh vực thu hút sức sáng tạo, đặc biệt các mô hình khởi nghiệp, góp phần thúc đẩy thị trường nội dung số nói chung và xuất khẩu phần mềm nói riêng. Với ngành thương mại điện tử ở Việt Nam, TPP thực sự đã có những tác động rất quan trọng đối với quá trình phát triển trong thời gian tới.


Nội dung chi tiết (xem file đính kèm)


TH: Thu Hiền - TTKC
 

More