Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 865

  • Tổng 8.298.390

Quảng Bình: Tháng 2, chỉ số công nghiệp giảm, thương mại tăng

Font size : A- A A+

Trong tháng 2 năm 2024, tại Quảng Bình, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 5.105,5 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm.

 

Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tháng 2 năm 2024 giảm 16,4% so với tháng trước và giảm 7,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,0% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, công nghiệp khai khoáng giảm 9,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,4%; sản xuất và phân phối điện giảm 21,0%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 5,4%.

 

Sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất trong 2 tháng năm 2024 (tăng so với cùng kỳ năm trước): Ván ép từ gỗ đạt 11.744 m3, tăng 208,0%; gỗ xẻ đã được xử lý, bảo quản đạt 1.299 m3, tăng 191,0%; bia đóng chai đạt 409 nghìn lít, tăng 116,2%; cao su tổng hợp và cao su tự nhiên sản xuất đạt 241 tấn, tăng 91,5%…

 

Theo ông Phan Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình, hiện nay, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã hoạt động ổn định trở lại sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn, hầu hết các doanh nghiệp ra quân sản xuất kinh doanh ngay trong những ngày đầu năm mới với không khí thi đua tích cực, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2024.

Lãnh đạo Sở Công Thương Quảng Bình thăm dây chuyền may của Công ty TNHH Tiến Hùng


Theo đó, sản xuất công nghiệp đã có những tín hiệu khởi sắc, một số ngành và sản phẩm gặp nhiều khó khăn và liên tục tăng trưởng âm trong năm 2023 đến nay đã tăng trưởng trở lại như: Chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ (gỗ xẻ, gỗ ván ép), sản xuất trang phục (sản phẩm áo sơ mi người lớn). Một số doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu thuộc các lĩnh vực gỗ ván ép, dầu thực vật và sản xuất trang phục đã thực hiện cơ cấu tài chính và sắp xếp lại doanh nghiệp (chuyển nhượng cổ phần, liên kết hợp tác đầu tư …) ngoài thị trường tiêu thụ trong nước, đã bắt đầu có các đơn hàng xuất khẩu mới đến đầu quý II/2024 (thị trường Úc, Trung Quốc, Mỹ, EU). Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp tháng 2/2024 giảm so với tháng trước và giảm so với cùng kỳ năm trước do tháng 2/2024 trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên thời gian hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp ít hơn so với tháng trước. Bên cạnh đó, một số ngành như điện gió giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023, nguyên nhân chủ yếu do gió mùa Đông Bắc năm nay giảm mạnh so với năm trước; ngoài ra do cắt giảm công suất từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024: 3,259 triệu kWh (tháng 1/2024 cắt giảm 0,929 triệu kWh, tháng 2/2024 cắt giảm 2,33 triệu kWh; cùng kỳ năm trước không cắt giảm).

 

Đối với lĩnh vực hoạt động thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 2 năm 2024 ước đạt 5.105,5 tỷ đồng, tăng 8,25% so với tháng trước và tăng 18,05% so với cùng kỳ. Cụ thể: Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 2/2024 ước đạt 4.437,7 tỷ đồng, tăng 8,99% so tháng trước và tăng 19,04% so với cùng kỳ; doanh thu lưu trú và ăn uống tháng 2/2024 ước đạt 385,6 tỷ đồng, tăng 4,85% so với tháng trước và tăng 7,04% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động du lịch ước đạt 55,4 tỷ đồng, tăng 15,10% so với tháng trước và tăng 58,55% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động dịch vụ ước tháng 2/2024 đạt 226,8 tỷ đồng, giảm 1,0% so với tháng trước và tăng 12,32% so với cùng kỳ.

 

Theo Phòng Quản lý thương mại- Sở Công Thương Quảng Bình, tháng 2/2024 là tháng trùng với Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhiều ngành hàng tăng sức mua, nguồn cung hàng hóa thiết yếu dồi dào đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Sức mua tăng cũng như giá cả hàng hóa có xu hướng tăng nhẹ ở một số mặt hàng như rau củ quả, thực phẩm tươi sống hoặc mặt hàng cúng tạ đầu năm theo nhu cầu tín ngưỡng của người dân,...

 

Nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường trước và sau Tết Nguyên đán, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các ngành chức năng theo dõi diễn biến thị trường hàng hóa, nắm bắt nhu cầu của nhân dân đối với các loại hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để đề xuất biện pháp cung ứng hàng hóa và bình ổn giá trong dịp Tết, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, thực hiện bình ổn giá cả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo cho nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm nên giá cả các mặt hàng cơ bản ổn định. Bên cạnh đó các siêu thị, trung tâm thương mại, hệ thống Winmart+ và các cửa hàng bán lẻ,… áp dụng nhiều chương trình giảm giá kích cầu tiêu dùng phục vụ nhu cầu người dân do đó doanh thu hoạt động thương mại tháng 2/2024 tăng khá so với tháng trước và cùng kỳ năm 2023.

 

Nguồn: https://congthuong.vn/quang-binh-thang-2-chi-so-cong-nghiep-giam-thuong-mai-tang-306653.html

More