Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 229

  • Tổng 8.253.410

Doanh nghiệp may mặc vẫn gặp khó

Font size : A- A A+

Có tốc độ tăng trưởng khá, cao hơn mức tăng chung sản xuất công nghiệp và giải quyết việc làm nhiều nhất trong các ngành công nghiệp của tỉnh, tuy nhiên hiện nay, ngành may mặc vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn.

 

40% doanh nghiệp may mặc ngừng hoạt động hoặc chuyển hướng kinh doanh

 

Đó là thông tin tại báo cáo số 2287/BC-SCT, ngày 5/12/2023 của Sở Công thương tổng hợp kết quả điều tra, khảo sát, xây dựng Kế hoạch phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

 

Cũng theo báo cáo, đơn hàng và giá gia công ngành may mặc giảm mạnh, đặc biệt từ quý III/2022 đến nay. Nhiều thời điểm thiếu việc làm, doanh nghiệp (DN) phải nhận các đơn hàng nhỏ lẻ, có giá trị thấp để duy trì hoạt động và giữ chân lao động. Chi phí sản xuất, vận tải, nguyên vật liệu, lãi vay… tăng cao cũng đã ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

 

Xí nghiệp May Hà Quảng-DN may mặc xuất khẩu lớn, đứng chân trên địa bàn Quảng Bình đã lâu năm cũng không tránh khỏi những khó khăn này. Ông Võ Xuân Trung, Giám đốc xí nghiệp cho biết: Số lượng các đơn hàng giảm, giá gia công thấp, trong khi giá cả các mặt hàng tăng nên chi phí lớn, ảnh hưởng đến doanh thu của đơn vị và thu nhập của người lao động. Năm 2023, xí nghiệp chỉ sản xuất được hơn 2,9 triệu sản phẩm; doanh thu đạt hơn 5,2 triệu USD; tạo việc làm cho 974 lao động, với mức thu nhập bình quân gần 7,2 triệu đồng/người.

 

May mặc là ngành giải quyết việc làm nhiều nhất trong các ngành công nghiệp của tỉnh.

May mặc là ngành giải quyết việc làm nhiều nhất trong các ngành công nghiệp của tỉnh.

 

Bà Lê Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ phận nhân sự, Công ty CP Dệt May Huế-Chi nhánh Quảng Bình chia sẻ: Từ đầu năm 2023, công ty thiếu hụt đơn hàng sản xuất, đơn giá thì giảm. Doanh thu năm nay chỉ đạt 70,5 tỷ đồng, sụt giảm khoảng 1/3 so với năm 2002. DN vẫn phải gồng mình để bảo đảm các chi phí, chế độ cho người lao động. Mặt khác, việc tuyển lao động cũng gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi hiện có 700 lao động, còn thiếu khoảng 200 lao động nữa mới đáp ứng năng lực sản xuất.

 

Không riêng Công ty CP Dệt May Huế-Chi nhánh Quảng Bình, Xí nghiệp May Hà Quảng mà nhiều DN may mặc lớn trên địa bàn cũng chưa thể phát huy hiệu quả do thiếu lao động, như: Công ty TNHH S&D Quảng Bình, Công ty TNHH May Thăng Long, Công ty CP May Ðại Thành, Công ty TNHH May Tiến Hùng,…

 

Gỡ khó cho ngành may mặc

 

Theo ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương, ngoài những nguyên nhân khách quan từ bối cảnh biến động của thế giới, cần thẳng thắn nhìn nhận: Các DN may mặc trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ (chiếm trên 90%), năng lực tài chính yếu; việc đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất còn hạn chế và chậm được đầu tư đổi mới, chất lượng sản phẩm thấp, sức cạnh tranh yếu. Hầu hết hoạt động may mặc trên địa bàn là gia công sản phẩm hoặc gia công một công đoạn cho các DN khác ngoài tỉnh, số DN xuất khẩu trực tiếp ít (chiếm 10%); năng lực tiếp thị hạn chế, kinh doanh qua nhiều khâu trung gian, khả năng thích ứng với sự biến động của nền kinh tế thấp…

 

Mặt khác, sự chỉ đạo điều hành, kiểm tra, đôn đốc của một số ngành, địa phương chưa quyết liệt, thiếu kịp thời trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN may mặc. Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ và còn nhiều vướng mắc đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), tiến độ thực hiện dự án và cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư ngành may mặc.

 

Ông Tuấn cho biết: Từ kết quả điều tra, khảo sát, Sở Công thương đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước và UBND cấp huyện đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và dịch vụ logistics trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN ngành may mặc SXKD; đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ DN ngành may mặc tiếp cận với khách hàng tiềm năng; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các hoạt động đầu tư và SXKD. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ DN trong tuyển dụng và đào tạo lao động.

 

Quảng Bình hiện có 60 DN may mặc, đóng tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; tập trung chủ yếu tại TP. Ðồng Hới, Lệ Thủy, Quảng Ninh. Hiện tại, có 21 DN hoạt động và duy trì được đơn hàng ổn định (chiếm 35%); 15 DN hoạt động cầm chừng, đơn hàng ít và thường xuyên cắt giảm lao động (25%); 24 DN ngừng hoạt động hoặc chuyển hướng kinh doanh khác (40%).

Đối với DN, cần xây dựng chiến lược phát triển theo hướng xanh hóa sản xuất; đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị và công nghệ nhằm từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao năng lượng, chi phí cho sản xuất. Nâng cao năng lực DN, chuyển hướng sản xuất từ gia công sang sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn thị trường xuất khẩu.

 

Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nhân lành nghề. Ðẩy mạnh hoạt động kết nối giữa tập đoàn, các tổng công ty, các DN lớn, các DN vệ tinh trong và ngoài nước với DN trong tỉnh để tham gia vào chuỗi sản xuất của ngành, hình thành liên kết xuyên suốt chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên, phụ liệu đến sản phẩm cuối cùng...

 

“Ngành may mặc có vị trí quan trọng và đóng góp tích cực. Đây là ngành có tốc độ tăng trưởng khá, tăng cao hơn mức tăng chung sản xuất công nghiệp và giải quyết việc làm nhiều nhất trong các ngành công nghiệp của tỉnh. Bởi vậy, việc đánh giá tổng quan về thực trạng ngành may mặc tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2020-2023 sẽ là cơ sở để có những định hướng cho sự phát triển bền vững của ngành.”, Phó Giám đốc Sở Công thương Đào Anh Tuấn khẳng định.

 

https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202312/doanh-nghiep-may-mac-van-gap-kho-2214638/

More