Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 125

  • Tổng 8.253.306

Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng đường cát có xuất xứ Thái Lan

Font size : A- A A+

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng và Hiệp hội mía đường Việt Nam, đối với mặt hàng đường cát, kể từ khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực (ngày 01/01/2020) thì hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường cát quan biên giới đã giảm rõ rệt so với những năm trước đây, số lượng đường nhập khẩu chính ngạch tăng mạnh. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2020 (sau thời điểm Bộ Công Thương có quyết định số 2466/QĐ-BCT ngày 21/9/2020 về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan) thì lượng đường nhập khẩu từ Malaysia, Campuchia, Indonesia vào Việt Nam tăng đột biến, trong khi đó, Malaysia là Quốc gia không trồng mía và Campuchia, Indonesia là những Quốc gia sản xuất không đủ cho thị trường nội địa và phải nhập khẩu đường từ Thái Lan với số lượng lớn.

 

Trước diễn biến đó, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia dự báo trong thời gian tới hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường cát qua biên giới sẽ gia tăng trở lại, đặc biệt tại địa bàn các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia; đồng thời, việc lẩn tránh phòng vệ thương mại (gian lận về xuất xứ) thông qua các loại hình nhập khẩu mặt hàng đường cát từ các Quốc gia trong khối ASEAN sẽ gia tăng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, trốn thuế.


Để thực hiện Công văn số 67/VPTT-TH ngày 04/3/2021 của Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia, ngày 24/3/2021 BCĐ 389 tỉnh ban hành Công văn số 44/BCĐ về việc tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại mặt hàng đường cát có xuất xứ từ Thái Lan. Theo đó, BCĐ 389 tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, tăng cường hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng cường tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường mòn, lối mở, đường qua lại biên giới ở các địa bàn, khu vực trọng điểm; chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, rà soát nhằm phát hiện các đối tượng “đầu nậu”, đường dây, ổ nhóm buôn lậu đường cát số lượng lớn để lập phương án đấu tranh, triệt phá và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

 

Sở Công Thương, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, trao đổi thông tin và điều tra xác minh nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát hoạt động kinh doanh mặt hàng đường cát nhập khẩu theo Quyết định 477/QĐ-BCT ngày 09/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạp thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan; tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, chỉ huy của các đơn vị trong công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa nói chung và mặt hàng đường cát nói riêng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa.

 

Theo Đặng Hà (nguồn Cổng TTĐT tỉnh Quảng BÌnh)

https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/tang-cuong-cong-tac-chong-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-mat-hang-duong-cat-co-xuat-xu-thai-lan.htm

 

 

More