Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 16

  • Hôm nay 823

  • Tổng 8.437.740

Tăng cường hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam – Lào

Font size : A- A A+

 

Sáng 11/4/2022, tại thủ đô Viêng chăn (Lào), Bộ Công Thương hai nước Việt Nam, Lào đã tổ chức Hội nghị Phát triển thương mại biên giới lần thứ XII theo cơ chế được Chính phủ hai nước thống nhất. Đồng chủ trì hội nghị có đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và đồng chí Khampheng Xaysompheang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào. Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện các Sở Công Thương, lãnh đạo các tỉnh có chung đường biên giới giữa hai nước; đại diện các bộ ngành có liên quan và đông đảo đại diện doanh nghiệp của hai nước.

 

      Về phía tỉnh Quảng Bình, có ông Phan Hoài Nam- Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình tham dự hội nghị.


      Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Khampheng Xaysompheang đều bày tỏ sự trân trọng, đánh giá cao quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam nói chung, trong lĩnh vực thương mại nói riêng, đạt được nhiều kết quả thiết thực nhân kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (05/9/1962 - 05/9/2022) và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác giữa Lào và Việt Nam ((18/7/1977 – 18/7/2022). Hai nước có chung đường biên giới dài hơn 2.300km, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố của mỗi bên, là khu vực có tiềm năng phát triển, có vị trí chiến lược trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây. Hội nghị là một trong những bước đi quan trọng để góp phần khai phá tiềm năng đó, theo đúng định hướng đã được đề ra tại Biên bản Thỏa thuận giữa Bộ Chính trị 2 nước ký ngày 09 tháng 01 năm 2022 và Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào ký ngày 10 tháng 01 năm 2022.


Toàn cảnh Hội nghị


      Từ năm 2018 đến năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa song phương Việt Nam - Lào đạt 4,5 tỉ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam đạt 2,1 tỉ USD và kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đạt 2,4 tỉ USD. Kim ngạch thương mại song phương trung bình đạt hơn 1 tỉ USD/năm, tăng trưởng hơn 10%/năm.


      Năm 2019, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,1 tỉ USD, tăng 12,6% so với năm 2018. Năm 2020, do sự bùng phát dịch Covid-19, cả hai bên áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cộng với những tác động từ thiên tai đã làm cho kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt 1 tỉ USD, giảm 11,5% so với năm 2019.


      Đến năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt 1,37 tỉ USD, tăng 33,32% so với năm 2020, vượt chỉ tiêu hai nước đề ra và trở thành giá trị kim ngạch thương mại song phương lớn nhất trong giai đoạn 10 năm qua. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đạt 594,73 triệu USD, tăng 4,2% và kim ngạch xuất khẩu từ Lào sang Việt Nam đạt 778,3 triệu USD, tăng 69,9%.


      Riêng đối với tỉnh Quảng Bình, trong năm 2021, dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của đại dịch Covid 19, kim ngạch xuất nhập khẩu của Quảng Bình – Lào vẫn đạt mức 399,3 triệu USD, trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 338,9 triệu USD và kim ngạch xuất khẩu đạt 60,4 triệu USD. Các mặt hàng XNK chủ yếu gồm:


      + Xuất khẩu: Vật liệu xây dựng, hàng nông sản, hàng tiêu dùng, thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu diesel…


      + Nhập khẩu: Hàng nông sản (Nhãn khô/tươi, cau tươi/khô, mít tươi, củ hành tây, gạo các loại, tinh bột sắn, cà phê nhân, măng khô…), đường các loại, trâu bò sống, gà sống, phân bón kali, giấy đế dạng cuộn, thạch cao, quặng sắt,…


      Có thể thấy, từ Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào lần thứ XI năm 2018 tổ chức tại tỉnh Quảng Bình, Việt Nam đến nay, quan hệ hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam ngày càng được củng cố, mở rộng, đi vào thực chất và tiếp tục thu được nhiều kết quả thiết thực. Việc tận dụng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại song phương và Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào đã góp phần thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ. Hàng năm, Bộ Công Thương hai nước ký Biên bản thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ phía Lào các gian hàng tại các Hội chợ, triển lãm lớn tại Việt Nam như Vietnamexpo, Foodexpo. Đến nay, Việt Nam có 214 dự án đầu tư sang Lào với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,33 tỷ USD; vốn thực hiện đạt khoảng 2,6 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào (sau Trung Quốc, Thái Lan). Toàn tuyến biên giới Việt Nam - Lào có 09 cửa khẩu quốc tế, 06 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng 27 lối mở và thành lập 09 Khu kinh tế cửa khẩu (Trong đó, Quảng Bình có 02 Khu kinh tế: 01 Khu kinh tế ven biển và 01 Khu kinh tế cửa khẩu)…


      Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hội nghị cũng chỉ ra một số khó khăn như: Chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, cơ sở hạ tầng, giao thông, logistics tại khu vực cửa khẩu chưa hiệu quả. Việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu, tuyến đường liên huyện tại một số khu vực còn chậm và chưa tương xứng với nhau. Hàng hóa sản xuất có quy mô nhỏ, phần lớn là nguyên liệu chưa qua chế biến, chưa áp dụng tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, chưa hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ...Riêng đối với tỉnh Quảng Bình, thời gian qua, tình hình hoạt động thương mại biên giới nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Các hoạt động xuất nhập cảnh, thương mại qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo bị sụt giảm mạnh.


      Để hoạt động thương mại biên giới tiếp tục phát triển, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, thực hiện có hiệu quả Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam – Lào, Hội nghị đã xác định 7 định hướng hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào trong thời gian tới, trong đó, tập trung vào các vấn đề rà soát, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các văn kiện đã ký kết, đề xuất phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Lào; tạo thuận lợi cho hàng hóa của mỗi nước lưu thông; phát triển nguồn nhân lực; phối hợp ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại…


      Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Khampheng Xaysompheang đánh giá cao nội dung và kết quả đạt được, nhiều nội dung đã được rà soát, trao đổi và thống nhất, thể hiện sự quan tâm ủng hộ, hợp tác chặt chẽ, tích cực giữa các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước. Bên cạnh những thành tựu đạt được, hội nghị đã chỉ ra những nguyên nhân, “điểm nghẽn” cần tháo gỡ như về tiềm lực đầu tư, nguồn vốn ngân sách; việc huy động các nguồn vốn và thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng biên giới; một số cơ chế, chính sách cần được tiếp tục rà soát, sửa đổi. Đồng thời, nhấn mạnh Bộ Công Thương hai nước sẽ tăng cường hợp tác hiệu quả hơn nữa, hiện thực hóa các chủ trương, hiệp định, chương trình hợp tác đã ký kết; tích cực giải quyết các vướng mắc nhanh chóng nhất thông qua trao đổi, đối thoại, điện đàm, hội đàm trực tuyến.


      Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Khampheng Xaysompheng đã ký kết Biên bản hợp tác phát triển thương mại biên giới giữa hai nước làm cơ sở để hai bên xây dựng và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.


TH: Thu Hiền - QLTM

More