Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 1980

  • Tổng 8.248.012

Một số trở ngại trong việc áp dụng sản xuất sạch hơn

Font size : A- A A+

Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, sản xuất sạch hơn (SXSH) đã, đang trở thành một trong những xu thế, chiến lược quan trọng phát triển công nghiệp thế giới, hướng tới mục tiêu giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và bảo đảm phát triển bền vững. Đối với Việt Nam, đây là một định hướng xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ nay đến năm 2020.   

 

Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò cấp thiết của SXSH trong công nghiệp, ngày 07/9/2009 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1419/QĐ-TTg phê duyệt "Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020"; với mục tiêu phát huy vai trò quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành, nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất công nghiệp (CSSXCN) và người lao động về SXSH và lợi ích mang lại từ việc áp dụng SXSH; từng bước triển khai các biện pháp SXSH nhằm thực hiện hài hòa các mục tiêu môi trường và kinh tế; đồng thời áp dụng rộng rãi SXSH tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các cơ sở có mức độ ô nhiễm môi trường cao trong các khu, cụm công nghiệp và khu dân cư, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.


Tại địa phương, UBND tỉnh cũng đã ban hành Chương trình hành động “Áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2013 – 2020”. Với mục tiêu đưa ra đến năm 2020: 100% các CSSXCN trong tỉnh được phổ biến các nội dung cơ bản về SXSH, 50% cơ sở sản xuất sẽ áp dụng SXSH và tiết kiệm được từ 8 - 13% mức tiêu thụ năng lượng/đơn vị sản phẩm; 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có bộ phận chuyên trách về sản xuất sạch hơn.

Hội nghị nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng SXSH trong công nghiệp năm 2016


Lợi ích sản xuất sạch hơn có ý nghĩa to lớn đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp ở tất cả các ngành nghề khác nhau, mang lại hiệu quả thiết thực không những về kinh tế môi trường mà còn cho toàn xã hội. Đã có nhiều hoạt động như tổ chức Hội thảo, tập huấn, được truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng mức độ lan toả của SXSH đã không được như mong muốn. Tới nay công cụ này dường như vẫn còn xa lạ với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.


Các chuyên gia và tổ chức trong và ngoài nước đã có một số nghiên cứu đánh giá về những yếu tố có thể được coi là rào cản của SXSH tại Việt Nam. Những rào cản này có thể được phân thành 04 loại hình chính: chính sách của nhà nước; động lực của cơ sở sản xuất; rào cản về kỹ thuật; rào cản về quản lý.


- Rào cản về vấn đề chính sách: mặc dầu đã có nhiều cố gắng và đã xây dựng được hệ thống chính sách về bảo vệ môi trường tương đối toàn diện, chúng ta còn gặp nhiều khó khăn trong việc cưỡng chế tuân thủ đối với các quy định của nhà nước do vậy nhiều cơ sở sản xuất còn chưa thực sự quan tâm đến bảo vệ môi trường.


- Rào cản liên quan đến động lực của doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp chưa quán triệt quan điểm người gây ô nhiễm phải trả tiền trong chính sách bảo vệ môi trường của nhà nước và cho rằng bảo vệ môi trường là việc của nhà nước. Các doanh nghiệp cũng chưa thực sự hiểu lợi ích của sản xuất sạch hơn đối với tính kinh tế của doanh nghiệp mà đơn thuần cho rằng SXSH cũng tương tự như việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải, thường gây chi phí tăng thêm.


- Rào cản về mặt kỹ thuật: nhiều cơ sở sản xuất của ta còn tương đối yếu về kiểm toán và hạch toán nội bộ nên không đo đếm được mức chi phí của mình mất đi theo chất thải. Do vậy không nhận thấy sự cần thiết áp dụng sản xuất sạch hơn để giảm chất thải đồng thời giảm chi phí sản xuất...


- Rào cản về quản lý: Văn hóa doanh nghiệp, sự phù hợp của sản xuất sạch hơn đối với phương thức quản lý của Việt Nam; kỹ năng quản lý của chủ doanh nghiệp đối với các công cụ môi trường còn kém linh hoạt.


Trong bối cảnh nước ta đang hướng đến nền kinh tế thị trường theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa như hiện nay, kết hợp mục tiêu phát triển kinh tế bền vững thì sản xuất sạch hơn đóng một vai trò hết sức quan trọng. Doanh nghiệp cần sử dụng mô hình sản xuất sạch hơn như là một công cụ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, từ đó nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp./.

 

TH: Minh Tâm – TTKC &XTTM
 

More