Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 3

  • Hôm nay 275

  • Tổng 8.297.800

Lực lượng Quản lý thị trường quyết liệt triển khai các hoạt động phòng chống dịch Covid-19

Font size : A- A A+

 

Tính từ đầu năm đến nay, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, giám sát 9.751 vụ. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên đến 6,78 tỷ đồng. 

 

 

Thực hiện nhiệm vụ được giao mới đây của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Tổng Cục QLTT đã chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành bắt tay ngay vào việc vủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh và thị trường để kịp thời ứng phó với các tình huống tại địa phương, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, nhưng đồng thời cũng không làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hoá, nhất là việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian dịch bệnh.

 

Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Quyết định số 1590/QĐ-TCQLTT ngày 28 tháng 5 năm 2021 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BCT nêu trên, theo đó, yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan trên địa bàn phối hợp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng... tăng điểm bán hàng, tăng sản lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh tại địa bàn; ưu tiên các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, đã và đang vào vụ thu hoạch như vải thiều, thanh long, khoai lang, hành...; tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện khi vận chuyển hàng hoá thiết yếu, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất, vận chuyển nông sản khi lưu thông qua địa bàn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương nhằm bảo đảm hàng hoá thiết yếu, nông sản an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm được lưu thông thông suốt; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ kho cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông sản, thuỷ sản và các mặt hàng thiết yếu của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối trên địa bàn để sẵn sàng sử dụng và huy động hỗ trợ khi cần thiết; thông qua hoạt động quản lý địa bàn, phối hợp các cơ quan, đơn vị thông tin truyền thông thực hiện tăng cường các biện pháp tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân tiêu thụ, sử dụng nông sản trong nước an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trên địa bàn.

 

Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1724/QĐ-BCT ngày 07 tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ngày 08 tháng 7 năm 2021 Tổng cục Quản lý thị trường ban hành công văn số 1442/TCQLTT-CNV gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Phú Yên, theo đó, yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm công văn số 846/TCQLTT-CNV ngày 10 tháng 5 năm 2021 và chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh và thị trường để kịp thời ứng phó với các tình huống tại địa phương, tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, định giá hàng hoá bất hợp lý nhưng không làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hoá, nhất là việc cung cấp các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian dịch bệnh; chủ động phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để người dân hiểu, không hoang mang, tập trung đông người mua sắm tích trữ hàng hoá, đồng thời yêu cầu công chức thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-10 theo hướng dẫn của ngành Y tế và Văn phòng Tổng cục.

 

Theo báo cáo của lực lượng Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhìn chung các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tương đối đầy đủ. Tình hình, diễn biến thị trường tại một số tỉnh, thành phố như sau:

 

- Tại tòa nhà 91 Đinh Tiên Hoàng, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại đã cơ bản được kiểm soát, không xuất hiện ca lây nhiễm Covid-19 mới. Công chức, người lao động và khách đến làm việc đều được đo thân nhiệt và được yêu cầu thực hiện nghiêm các yêu cầu 5K trong phòng, chống dịch, tránh lây nhiễm dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng; thực hiện khai báo y tế đầy đủ khi đi và đến vùng có dịch. Do tính chất công việc, Tổng cục QLTT duy trì 100% số lượng biên chế có mặt tại cơ quan. Trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Thành phố Hà Nội có thông báo thực hiện giãn cách xã hội, Tổng cục QLTT sẽ triển khai Phương án 1 của công văn số 462/VP-THCC ngày 07 tháng 5 năm 2021, đảm bảo 50% số lượng biên chế có mặt thường trực tại cơ quan. Tổng cục QLTT cũng đã nhanh chóng hỗ trợ 2 tỉnh, Bắc Ninh và Bắc Giang, mỗi tỉnh 1.000 bộ trang phục phòng, chống dịch cấp độ III nhằm giúp các Tỉnh nhanh chóng kiểm soát, khoanh vùng, dập dịch thành công để sớm đưa cuộc sống của người dân và của tỉnh trở lại ổn định; ủng hộ Trung tâm y tế huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang 500 bộ trang phục phòng chống dịch và 5.000 khẩu trang y tế N95 và ngày 02/6/2021 đã quyên góp và ủng hộ tỉnh Bắc Giang 1.000 thùng nước uống; 100 ấm siêu tốc; 100 thùng bánh; 200 thùng mỳ tôm; 3.000 gel sát khuẩn.

 

- Tại Thành phố Hồ Chí Minh: tình hình kinh doanh khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra bình thường, không khan hiếm. Tại các siêu thị, chợ truyển thống đều thực hiện đo thân nhiệt, hướng dẫn người dân đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và giữ khoảng cách tại quầy thanh toán. Để phục vụ cho nhân dân trong thời gian giãn cách, Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo tăng lượng hàng hóa cung ứng của các hệ thống phân phối, gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng; do có các ca lây nhiễm nên một số chợ đầu mối và chợ truyền thống được yêu cầu tạm ngưng hoạt động tuy nhiên hàng hóa tươi sống, rau củ quả vẫn được đưa về các điểm tập kết, kho bãi xung quanh các Chợ đầu mối, lượng hàng hóa đưa về dồi dào, đa dạng, các thương nhân tại các chợ đầu mối vẫn đưa hàng về và giao trực tiếp cho các thương lái, mối quen và tập trung bán ở một số tuyến đường xung quanh chợ; hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi dồi dào, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, giá cả ổn định, các siêu thị cũng tăng thời gian bán hàng thêm 3-4 giờ mỗi ngày để phục vụ người dân, các siêu thị cũng nhận đặt hàng qua điện thoại và giao tận nhà, Ủy ban nhân dân Thành phố cũng yêu cầu các siêu thị tăng lượng hàng hóa tại các quầy thực phẩm chế biến sẵn để phục vụ người dân mua về sử dụng trực tiếp; tuy nhiên các mặt hàng thực phẩm tươi sống (rau, củ, thịt, cá) tăng nhẹ do ngành chức năng siết chặt quy định phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ truyền thống, tạm dừng chợ tự phát và nhiều chợ tạm ngưng hoạt động do có ca dương tính Sars-CoV-2, ngoài ra do giá xăng tăng, chi phí vận chuyển tăng do khó khăn trong vận chuyển, các địa phương tăng cường kiểm soát dịch làm gia tăng chi phí xét nghiệm.

 

Qua giám sát thì hàng hóa tại các chợ được hoạt động và các siêu thị dồi dào, đầy đủ, giá cả ổn định, ghi nhận tại một số chợ được phép hoạt động giá cả một số mặt hàng thiết yếu giảm nhẹ, có niêm yết giá, tuy nhiên lượng người mua giảm mạnh hơn so với các ngày trước đó, do người dân hạn chế ra đường và đã mua dự trữ thực phẩm, nhu yếu phẩm vào các ngày trước đó.

 

- Tại Vĩnh Long, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… có nguồn dự trữ hàng hóa đa dạng, giá cả ổn định, đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tại các chợ truyền thống, tình hình buôn bán các mặt hàng tươi sống thiết yếu vẫn hoạt động nhưng hạn chế hơn trước, hàng hóa đồi dào, giá cả không biến động, người mua vắng hơn trước do vài ngày mới đi chợ một lần. Mặt hàng vật tư y tế thiết yếu để phòng chống dịch Covid-19 ở các nhà thuốc như: khẩu trang y tế, nước sát khuẩn vẫn mua bán bình thường, giá cả hợp lý, hàng hóa đa dạng, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng..

 

- Tại Tiền Giang, thị trường ổn định, các mặt hàng như: khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn, găng tay không có biến động về giá; các cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế thực hiện tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, hàng hoá khác không khan hiếm luôn đảm bảo nhu cầu cho người tiêu dùng.

 

- Tại Bình Dương, tình hình cung ứng hàng hoá, thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, trứng, thịt, cá, .. các loại thực phẩm thiết yếu khác tại chợ truyền thống ngày có tăng so với trước đó do trên địa bàn một số chợ bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, một số chợ tự phát, các cơ sở bán lẻ trong đó có chợ đầu mối hàng bông Phú Hòa ngưng hoạt động. Hiện tại trên địa bàn tỉnh tiếp tục phong tỏa chợ Búng (Tp. Thuận An); chợ Dĩ An (Tp. Dĩ An); chợ Tân Uyên (Tx.Tân Uyên) để phòng chống dịch. Riêng tình hình cung ứng và giá cả các mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, gạo, dầu ăn, muối, nước mắm, dầu ăn, thịt, trứng, rau củ quả, thực phẩm khô và đặc biệt là các mặt hàng chống dịch như các loại gel, nước rửa tay, xà phòng, khẩu trang vải sát khuẩn tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích thì tương đối ổn định.

 

- Tại Phú Yên, trên địa bàn tỉnh các cửa hành kinh doanh mặt hàng trang thiết bị y tế, khẩu trang y tế, khẩu trang vải kháng khuẩn, dung dịch nước sát khuẩn; mặt hàng lương thực, thực phẩm... đủ đáp ứng nhu cầu cầu của người tiêu dùng; trên địa bàn không xảy ra hiện tượng khan hiếm hay tăng giá hàng hoá bất thường.

 

- Tại Bến Tre, nhìn chung hàng hóa bình ổn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, sử dụng của người dân; không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc mua gom hàng hóa để tích trữ. Giá cả một số loại hàng hóa như: khẩu trang, nước rửa tay khô, cồn 700, 900; găng tay y tế tương đối ổn định, việc kinh doanh có thực hiện niêm yết giá tại nơi mua bán hàng hóa theo quy định.

 

- Tại An Giang, tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong ngày diễn biến ổn định, không biến động. Sức mua giảm so với những ngày qua do người dân đã mua hàng dự trữ trước khi bắt đầu thực hiện theo Chỉ thị 15 trên phạm vi toàn tỉnh. Giá cả một số mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, trứng, rau, củ, quả... tại các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị ổn định, không tăng so với hôm qua, nguồn cung thực phẩm dồi dào, riêng mặt hàng mì Hảo Hảo có hiện tượng hút hàng tại các chợ lẫn siêu thị do giá cả khá rẻ và phù hợp khẩu vị đa số người dân nên được mua dự trữ nhiều. Đối với các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch như các loại khẩu trang, nước sát khuẩn có tăng nhẹ với nước rửa tay, nước sát khuẩn, giá các loại khẩu trang y tế hiện nay từ 40.000 - 80.000 đồng/hộp (tùy loại).

 

- Tại Cần Thơ, tình hình thị trường trên địa bàn thành phố trong ngày, nhìn chung ổn định, hàng hóa thiết yếu trên thị trường đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh, đặc biệt các mặt hàng là trang thiết bị, vật tư y tế (như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn,…) dùng để phòng, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu thị trường; trên địa bàn thành phố lực lượng Quản lý thị trường không phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế dùng để phòng, chữa bệnh.

 

- Tại Đồng Tháp, trong ngày hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ich và các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh vẫn đa dạng, phong phú, đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân. Không xảy ra tình trạng đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm và các mặt hàng trang thiết bị y tế dùng để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

 

Kết quả kiểm tra, xử lý

 

- Từ ngày 24/7/2020 đến ngày 12/7/2021, lực lượng QLTT đã kiểm tra, giám sát: 58 vụ; tổng số tiền xử phạt: 1,83 tỷ đồng.

 

- Từ ngày 31/01/2020 đến ngày 12/7/2021, số vụ kiểm tra, giám sát của lực lượng Quản lý thị trường là 9.751 vụ. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 6,78 tỷ đồng.

 

Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục yêu cầu lực lượng QLTT chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế,... dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh Covid-19. 

 

Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công Thương

https://moit.gov.vn/quan-ly-thi-truong/luc-luong-quan-ly-thi-truong-quyet-liet-trien-khai-cac-hoat-.html

More