Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 7

  • Hôm nay 3605

  • Tổng 8.228.326

Thông báo Kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và hoạt động sản xuất kinh doanh sau ngày 29/9/2021

Font size : A- A A+
 Ngày 29/9/2021, Văn phòng UBND tỉnh đã có Thông báo số 149/TB-VPUBND về việc Thông báo Kết luận của đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy Trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống Covid-19 tỉnh tại cuộc họp triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và hoạt động sản xuất kinh doanh sau ngày 29/9/2021.

 Ngày 29/9/2021, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid - 19 tỉnh tổ chức họp nghe báo cáo điều chỉnh mức độ phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh sau thời gian chuyển sang trạng thái mới trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tham dự buổi họp có đồng chí Trần Hải Châu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh; đồng chí Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các đồng chí Phó Chỉ huy Trưởng và thành viên Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế.

Sau khi nghe đồng chí Hồ An Phong – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chỉ huy Trưởng Thường trực Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh báo cáo tóm tắt công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình sau ngày 29/9/2021; ý kiến phát biểu của các đồng chí thành viên Trung tâm chỉ huy, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid – 19 tỉnh Trần Thắng kết luận:

Tính đến ngày 29/9/2021, tỉnh Quảng Bình qua hơn 35 ngày ghi nhận ca nhiễm mới liên quan đến ổ dịch Cảng cá Nhật Lệ (ca bệnh đầu tiên được xác định ở Thôn Trung Hòa, xã Hải Phú, huyện Bố Trạch ngày 24/8/2021). Đến 6 giờ ngày 29/9/2021, tổng số ca mắc toàn tỉnh từ trước đến nay là 1.669 ca. Số ca đang nhiễm: 450 ca; số ca đã điều trị khỏi là 1.215 ca. Số ca tử vong: 04.

Qua theo dõi, giám sát, trong thời gian 07 ngày vừa qua (sau khi tiếp tục áp dụng việc chuyển trạng thái mới các mức độ phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình từ ngày 22/9) số lượng các ca bệnh trong ngày đã giảm sâu và tập trung các khu cách ly tập trung và ổ dịch mới ở thị xã Ba Đồn. Các ổ dịch ở thành phố Đồng Hới và huyện Bố Trạch đã được kiểm soát chặt chẽ, khoanh vùng thu hẹp. Một số ổ dịch mới cơ bản được kiểm soát và phong tỏa kịp thời.

Trung tâm chỉ huy các cấp đã tập trung quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, phù hợp thực tế của từng địa phương. Chỉ đạo thực hiện khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm kịp thời để bóc tách các F0 đối với một số ổ dịch phát sinh mới trong cộng đồng; đã tổ chức điều tra, truy vết và xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng; tăng cường lực lượng điều tra, truy vết, lấy mẫu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa hỗ trợ cho thị xã Ba Đồn. Kịp thời triển khai phương án giãn cách xã hội trong tình hình mới và phương án sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của tỉnh. Việc xác định địa bàn phong tỏa, cách ly và giãn cách xã hội đúng hướng, đúng địa bàn, đối tượng. Trung tâm Chỉ huy đã điều hành linh hoạt, phân bổ nguồn lực, nhân lực, xây dựng kế hoạch hàng ngày trong công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. Công tác quản lý giãn cách, cách ly xã hội được thực hiện chặt chẽ, được nhân dân đòng tình ủng hộ. Tổ covid cộng đồng thực hiện rất hiệu quả. Công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 đạt nhiều kết quả tốt, số bệnh nhân khỏi bệnh ngày một nhiều lên. UBND tỉnh Quyết định kết thúc nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 của Bệnh viện Đa khoa thành phố Đồng Hới. Các hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được phục hồi; việc cung ứng hàng hóa thiết yếu đảm bảo nhu cầu đời sống người dân.

Hoạt động sản xuất từng bước được khôi phục trở lại và dần ổn định sản xuất. Sản xuất nông nghiệp cơ bản hoàn thành vụ Hè Thu theo kế hoạch. Các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn đã triển khai hoạt động sản xuất trong điều kiện thực hiện giãn cách mới, trong đó có các nhà máy may với quy mô lớn đã đạt trên 80% công suất. Thị trường hàng hóa cơ bản ổn định, phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Hoạt động lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải tiếp tục được thực hiện thông suốt. Hoạt động các khu công nghiệp cơ bản đã vào sản xuất (hiện có 23/29 doanh nghiệp hoạt động với công suốt 50-80%.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại hạn chế nhất định trong công tác phòng, chống dịch và triển khai các phương án sản xuất kinh doanh như: Thực hiễn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg một số địa phương chưa nghiêm; xuất hiện thêm một số ổ dịch mới tại một số địa phương của Thị xã Ba Đồn, đặc biệt là việc phát hiện ca nhiễm mới tại Trung tâm y tế thị xã Ba Đồn và bệnh viện đa khoa khu vực bắc Quảng Bình làm cho tình hình dịch tại thị xã phức tạp. Việc tổ chức hoạt động sản xuất trở lại của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn cần có sự hỗ trợ lớn từ các chính sách như giãn, giảm lãi suất cho vay, giãn và miễn thuế, hoãn đóng BHXH, giảm tiền điện, hỗ trợ lao động…; một số doanh nghiệp đã đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa đủ lao động theo phương án sản xuất kinh doanh; nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động thời gian khá dài nên phải bảo trì, bảo dưỡng máy móc thiết bị và chưa thể đi vào hoạt động ngay được; nhiều doanh nghiệp có lao động chưa được tiêm vắc xin và có nguy cơ lây nhiễm sẽ cao; nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang chịu sức ép rất lớn từ các đối tác về thời gian thực hiện hợp đồng, thời gian giao hàng….

Trên cơ sở kết quả đánh giá mức độ nguy cơ các xã theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG ngày 31/05/2021 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Quyết định 3989/QĐ-BYT ngày 18/8/2021 của Bộ Y tế, ngày 29/9/2021 UBND tỉnh đã có Quyết định số 3110/QĐ-UBND về việc chuyển trạng thái mới các mức độ phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục triển khai một cách khẩn trương có hiệu quả thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và hoạt động sản xuất kinh doanh sau ngày 29/9/2021, yêu cầu Sở Y tế, các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện khẩn trương các nhiệm vụ sau:

- Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị khẩn trương xây dựng, tham mưu phương án phòng, chống dịch, kiểm soát dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới, bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và các chỉ đạo, quy định, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, của Ban Chỉ đạo tỉnh, đảm bảo vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội.

- Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng, tham mưu phương án cụ thể khi bà con trở về Quảng Bình đảm bảo quản lý, giám sát, cách ly, xét nghiệm phù hợp đối với từng đối tượng đã được tiêm, hoặc chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19.

- Thường xuyên, định kỳ tầm soát, lấy mẫu xét nghiệm tại các địa bàn, khu vực tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cao, như: chợ dân sinh, siêu thị, cảng cá, cảng biển, khu neo đậu tàu thuyền, khu công nghiệp, khu vực cửa khẩu, trường học; các đối tượng, như: ngư dân, lái xe đường dài, tiểu thương…; lấy mẫu đại diện gia đình…để kiểm soát tốt tình hình; kịp thời, chủ động khoanh vùng, dập dịch khi có ca nhiễm SARS-CoV-2.

- Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo cách tiếp cận mới, trạng thái mới và phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh Covid-19 tại địa phương, tuyệt đối không được chủ quan lơ là trong công tác chỉ đạo và thực hiện phòng, chống dịch.

Đối với Thị xã Ba Đồn và các ổ dịch mới cần phải tập trung cao độ, với tinh thần quyết liệt hơn, ưu tiên mọi nguồn lực, tập trung khoanh vùng, điều tra truy vết các trường hợp F1, F2 để theo dõi, giám sát, xử lý để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh một cách kịp thời, hiệu quả nhất.

Tại Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, các lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ để tổ chức xét nghiệm, bóc tách F0 (thực hiện trước khi qua cửa khẩu) để ngăn chặn hiệu quả nguồn dịch bệnh xâm nhập qua biên giới.

- Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 cấp huyện, cấp xã tiếp tục đánh giá chính xác kết quả kiểm soát dịch tại địa phương để tham mưu việc áp dụng các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch trên địa bàn; tiếp tục thực hiện giải pháp khoanh vùng nhỏ, xét nghiệm nhanh, không kéo dài thời gian giãn cách xã hội.

- Tiếp tục chỉ đạo phát huy vai trò của Tổ COVID cộng đồng tại địa phương. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ dân cư, quản lý chặt chẽ công dân khi ra, vào địa bàn. Các lực lượng chức năng cần tăng cường giám sát chặt chẽ các nguồn lây nhiễm xâm nhập từ cửa sông, cảng biển, khu neo đậu tàu thuyền, cảng cá; quản lý chặt chẽ người ra, vào địa bàn tỉnh, đặc biệt là khi các tỉnh, thành phố kết thúc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.

- Tiếp tục giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc COVID-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng; tiếp tục chú trọng đến công tác hậu cần và các hoạt động y tế khác trong khu vực cách ly, khu phong tỏa.

Đối với thị xã Ba Đồn cần kịp thời phong tỏa, thiết lập bổ sung các khu cách ly; tăng cường công tác khử khuẩn, tuyệt đối không để lây chéo trông khu cách ly, đảm bảo an toàn lực lượng của đội ngũ tuyến đầu phòng, chống dịch, đặc biệt là Khu cách ly tại Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình, Trung tâm Y tế thị xã. Sở Y tế, các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung hỗ trợ nhân lực cho thị xã, tham mưu cho lãnh đạo thị xã Ba Đồn có những quyết định đúng đắn trong phòng, chống dịch để kịp thời kiểm soát tốt dịch bệnh.

- Ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 để giám sát chủ động COVID-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay. Triển khai ứng dụng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm trực tuyến.

- Tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng đảm bảo an toàn; kịp thời; đúng đối tượng, đúng quy trình, quy định theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Tiếp tục nâng cao năng lực công tác điều trị một cách toàn diện, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu.

- Yêu cầu các trạm y tế xây dựng phương án thành lập trạm y tế lưu động để triển khai thực hiệc nhiệm vụ khi cần thiết.

- Các sở, ngành, đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai khẩn trương các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, ổn định đời sống, sinh hoạt và sức khỏe của Nhân dân; đồng thời phải chủ động phương án phòng, chống dịch trong tình hình mới, không được chủ quan, lơ là với công tác phòng, chống dịch; triển khai từng bước chặt chẽ, chắc chắn.

Các địa phương chủ động, khẩn trương thành lập Tổ chỉ đạo phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương để tập trung chỉ đạo quyết liệt. Tập trung thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; chỉ đạo rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư.

- Tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc tại các DN, các sở sản xuất nông lâm ngư nghiệp; Hỗ trợ tìm việc làm cho các lao động về tư địa phương khác, đảm bảo an sinh, trật tự an toàn xã hội. Có chính sách đào tạo nghề nghiệp ngắn hạn cho lực lượng lao động, đặc biệt là lao động trở về từ địa phương khác để tăng cơ hội tạo việc làm. Hỗ trợ, tạo điều kiện để các Doanh nghiệp có đủ nguồn lực lao động phục vụ sản xuất, kinh doanh, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa. Nghiên cứu có các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh.

- Tiếp tục tập trung chỉ đạo đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn. Chỉ đạo triển khai khẩn trương phương án tổ chức sản xuất phù hợp với doanh nghiệp và tình hình dịch bệnh trong tình hình mới đảm bảo an toàn và đúng quy định.

- Chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp trong các KCN, KKT, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát trong các doanh nghiệp.

- Tiếp tục chỉ đạo tập trung ưu tiên cho công tác bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. Triển khai nhanh và có hiệu quả các biện pháp hỗ trợ người dân theo quy định, nhất là nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm tại các nơi tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội. Tiếp tục tăng cường việc huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động.

- Chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid - 19 trong tình hình mới để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đặc biệt là tuyên truyền về công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện phòng, chống dịch của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của nhân dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch để nhân dân hiểu, chia sẻ, hưởng ứng và tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch.

- Các đơn vị, địa phương tăng cường công tác xử lý chất thải y tế đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.

- Tập trung đánh giá chặt chẽ, cụ thể đối với từng địa phương để triển khai phương án tổ chức dạy học ứng phó với diễn biến dịch Covid-19 trong năm học 2021-2022 phù hợp với tình hình mới của dịch bệnh. Chú trọng nâng cao chất lượng dạy học; chủ động phương pháp dạy học phù hợp, linh hoạt; phân bổ nguồn hỗ trợ máy tính cho học sinh đúng đối tượng; tăng cường tuyên truyền tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

- Tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để tập trung chỉ đạo thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo các hoạt động giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ phó phụ trách các lĩnh vực hoạt động có liên quan; yêu cầu Giám đốc các sở, ngành chuyên môn của UBND tỉnh, các đồng chí thành viên của Tổ cần tập trung nghiên cứu, tăng cường, chủ động trong công tác tham mưu các giải pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả, quyết tâm phấn đấu để hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2021.

Văn phòng UBND tỉnh thông báo để các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan, biết, triển khai thực hiện./.

Xem và tải nội dung Văn bản tại đây!

                                                                                Ban biên tập Trang TTĐT của Sở

More