Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 14

  • Hôm nay 1928

  • Tổng 8.421.951

Tăng cường thực hiện Cuộc vận động ''Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam''

Font size : A- A A+

(Website Quảng Bình) -  Ngày 04-5-2013, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 452/UBND-KTN về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động ""Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"".

Công văn nêu rõ, thực hiện Công văn số 249/TTg-KTTH ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; thực hiện các mục tiêu, giải pháp được Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đề ra tại Báo cáo số 369/BC-MTTW-BCĐTW sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, UBND tỉnh yêu cầu:

 
1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục triển khai các nhiệm vụ sau:
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị, các tầng lớp nhân dân tại địa phương nhận thức đúng yêu cầu của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp Quảng Bình; tiếp tục thực hiện các giải pháp thích hợp để khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động nhân dân tích cực sử dụng hàng Việt Nam.
- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động các đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh khi có nhu cầu mua sắm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước, khi mua sắm vật tư, thiết bị để thực hiện các dự án, công trình thì ưu tiên sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu và dịch vụ trong nước bảo đảm chất lượng; các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, hàng hóa sản xuất tại Quảng Bình trên thị trường trong và ngoài nước.
 
2. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh.
- Tập trung chỉ đạo, phối hợp để tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong tỉnh; điều tra khảo sát thị trường, người tiêu dùng đồng thời cung cấp thông tin chính thức về diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là hàng hóa sản xuất trong nước.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu mối sản xuất trong tỉnh, đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, chợ truyền thống, các chương trình khuyến mãi hàng Việt Nam như: Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, Hội chợ hàng Việt Nam, hàng sản xuất ở Quảng Bình...tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai các biện pháp thích hợp để tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; củng cố và xúc tiến kêu gọi đầu tư mở rộng hệ thống phân phối, xây dựng các kênh phân phối văn minh, hiện đại đối với hàng Việt như siêu thị, trung tâm thương mại và hệ thống bán buôn, bán lẻ tại trung tâm thành phố, các huyện và vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông về sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam góp phần xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu Việt về công nghệ thông tin. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội quảng bá sản phẩm, hàng hóa của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và những hành vi gian lận thương mại.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Cập nhật và công bố thường xuyên, kịp thời Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước, trong tỉnh sản xuất được để phục vụ các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố cụ thể hóa việc triển khai Chương trình bình ổn thị trường một cách phù hợp, đồng thời có thể gắn kết với việc thực hiện các mục tiêu của Cuộc vận động; ưu tiên đưa hàng Việt vào hệ thống các điểm bán hàng bình ổn giá.
- Khẩn trương ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu, cung cấp sản phẩm Việt với chất lượng cao đến tay người tiêu dùng.
 
3. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh và các cơ quan liên quan xây dựng các chương trình thường kỳ, các chuyên mục để quảng bá về sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, hàng hóa sản xuất ở Quảng Bình; phản ánh, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan về tình hình thực hiện Cuộc vận động.
- Phối hợp với Sở Công Thương xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông về sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.
 
4. Sở Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục hướng dẫn các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng đối với hàng hóa, bảo đảm kiểm soát được hàng hoá nhập khẩu có tiêu chuẩn chất lượng không đáp ứng yêu cầu, có nguy cơ gây hại đến sức khỏe cộng đồng, môi trường.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn các doanh nghiệp và các tổ chức liên quan trong việc đăng ký xác lập quyền và thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu, thương hiệu của hàng Việt trong và ngoài nước.
 
5. Sở Ngoại vụ
Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài trong công tác giới thiệu và đưa hàng Việt đến với cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài; giúp doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được thông tin và các cơ hội xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, nhất là các khu vực tập trung nhiều người Việt Nam ở nước ngoài sinh sống.
 
6. Sở Tài chính
- Chịu trách nhiệm hướng dẫn về nguồn kinh phí và kiểm soát sử dụng kinh phí của Chương trình bình ổn thị trường; phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát việc bán hàng theo cam kết của Chương trình.
- Chịu trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về mua sắm tài sản, hàng hóa của các cơ quan, đơn vị từ nguồn ngân sách nhà nước, bảo đảm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Cuộc vận động.
- Tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động trong dự toán kinh phí hàng năm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh trên cơ sở kế hoạch, nội dung hoạt động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động và chế độ, định mức chi tiêu theo quy định hiện hành; đồng thời có kế hoạch huy động các nguồn lực xã hội hóa để hưởng ứng các hoạt động của Cuộc vận động tại địa phương.
- Phối hợp với Sở Công Thương nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển sản xuất kinh doanh, hệ thống dịch vụ phân phối đưa hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận và lựa chọn mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt, đặc biệt là hàng hóa sản xuất tại Quảng Bình. Đề xuất với các cấp có thẩm quyền điều chỉnh hợp lý các chính sách tài chính, thuế… tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường.
 
7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu quảng bá tuyến điểm du lịch gắn với quảng bá các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh; kết hợp giới thiệu hàng Việt đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thông qua các hoạt động, chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng chương trình du lịch khuyến mại kết hợp mua sắm hàng hóa Việt, nhất là các sản phẩm đặc thù, đặc trưng của tỉnh.
- Hướng dẫn, khuyến khích sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật; nghiên cứu phát động các cuộc thi sáng tác biểu trưng, khẩu hiệu về Cuộc vận động nhằm đề cao và phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người Việt Nam.
 
8. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng nội dung tuyên truyền về Cuộc vận động trong nhà trường và các cấp học trên địa bàn tỉnh.
 
9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, rà soát, thông báo các quy định về quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật đối với việc sản xuất, chế biến hàng hóa nông lâm thủy sản, thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của mình.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm người sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, tạo lòng tin cho người tiêu dùng Việt Nam.
 
10. Sở Y tế
- Tăng cường các giải pháp tạo điều kiện để phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, tuyên truyền bảo đảm khuyến khích sử dụng thuốc chữa bệnh, các dịch vụ y tế trong nước; tăng cường công tác truyền thông, cung cấp thông tin chính xác đối với các dịch vụ y tế và thuốc sản xuất trong nước để người dân từng bước nhận thức đầy đủ về khả năng cung cấp và chất lượng của các sản phẩm thuốc chữa bệnh trong nước sản xuất được.
- Chỉ đạo và tăng cường kiểm tra, giám sát các bác sĩ, thầy thuốc, các cơ sở khám chữa bệnh nâng cao trách nhiệm trong công tác tư vấn, kê đơn thuốc cho người bệnh, từ đó hạn chế tình trạng lạm dụng kê đơn thuốc ngoại đắt tiền, bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu, yêu cầu của Cuộc vận động.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm để bảo đảm chất lượng của sản phẩm thực phẩm Việt Nam, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng thực phẩm trong nước và xuất khẩu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
 
11. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và Sở Công Thương xem xét kế hoạch đầu tư xây dựng chợ hàng năm của các địa phương để tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư chợ; cập nhật và công bố thường xuyên, kịp thời danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư, danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư, các quy định mới về đấu thầu, danh mục hàng hóa sản xuất trong nước được miễn, giảm, không chịu thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu... để thông báo cho doanh nghiệp biết.
- Tổ chức thẩm định dự án, ưu tiên dùng hàng hóa, vật liệu sản xuất trong nước, trong tỉnh để xây dựng các công trình. Đề xuất cơ chế, chính sách theo hướng khuyến khích tiêu dùng hàng trong nước, trong tỉnh.
 
12. Sở Nội vụ
Đề xuất đưa việc thực hiện Cuộc vận động vào tiêu chuẩn thi đua, khen thưởng hàng năm đối với tập thể và cá nhân.
 
13. Đài PTTH tỉnh, Báo Quảng Bình
Tiếp tục mở các chuyên trang, chuyên mục “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; dành thời lượng phù hợp cho công tác giới thiệu, quảng bá các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước và trong tỉnh; công bố thông tin chất lượng, giá cả các sản phẩm, phân biệt hàng thật, hàng giả, hàng nhái… đến với người tiêu dùng.
 
14. Các doanh nghiệp nêu cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; từng bước xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa Việt Nam không chỉ tại thị trường trong nước mà còn từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
 
15. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp, triển khai thực hiện các nội dung liên quan, gắn thực hiện Cuộc vận động với các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương để Cuộc vận động thực hiện một cách có hiệu quả nhất trên địa bàn tỉnh; kịp thời báo cáo UBND tỉnh kết quả, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất giải pháp tháo gỡ; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan nhà nước trong việc hưởng ứng và gương mẫu thực hiện Cuộc vận động.
Giao Sở Công Thương chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh định kỳ 6 tháng (trước ngày 25/6 hàng năm) và một năm (trước ngày 25/12 hàng năm).
 
Nguồn: Công văn số 452/UBND-KTN ngày 04/5/2013

More