Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 10

  • Hôm nay 3023

  • Tổng 8.376.850

Cơ hội và thách thức phát triển ngành logistics Quảng Bình trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế

Font size : A- A A+

Trong thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đã ký kết tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng sẽ tăng trưởng mạnh, đây được coi là cơ hội lớn cho ngành dịch vụ logistics phát triển. 

 

Hoạt động dịch vụ logistics đóng vai trò quan trọng trong quá trình cung ứng và phân phối hàng hóa, đặc biệt là phát triển thương mại trong nước và xuất nhập khẩu. Dịch vụ Logistics chủ yếu bao gồm: dịch vụ bốc xếp hàng hóa gồm cả hoạt động bốc xếp container; dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa bao gồm cả hoạt động kinh doanh kho bãi container và kho xử lý nguyên liệu, thiết bị; dịch vụ đại lý vận tải, bao gồm cả hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan và lập kế hoạch bốc dỡ hàng hóa; và dịch vụ khác bao gồm cả hoạt động tiếp nhận, lưu kho và quản lý thông tin liên quan đến vận chuyển, lưu kho hàng hóa… Các dịch vụ logistics liên quan đến vận tải bao gồm: Dịch vụ vận tải hảng hải, thủy nội địa, hàng không, đường sắt, đường bộ, đường ống. Các dịch vụ logistics khác: dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật; dịch vụ bưu chính; dịch vụ thương mại bán buôn, bán lẻ, bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa, phân phối lại và giao hàng và các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác…


Theo đánh giá của các chuyên gia, khi Việt Nam gia nhập đầy đủ các hiệp định tự do FTA, TPP, AEC, Logistics sẽ là lĩnh vực “bùng bổ”. Có thể thấy rõ cơ hội này khi mức độ tự do hóa trong các FTA dự kiến khoảng 90% dòng thuế với thuế suất cuối cùng về 0% vào các thời điểm khác nhau tùy từng FTA, lợi ích đầu tiên và là cơ hội mới cho phát triển xuất khẩu; Hiệp định TPP quy định các thành viên phải cắt giảm 90% tất cả các loại thuế quan ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Mục tiêu chính của TPP là giảm thuế và những rào cản đối với hàng hóa và dịch vụ, hướng đến tự do hóa toàn diện, xóa bỏ 100% thuế nhập khẩu. TPP thúc đẩy sự phát triển của các chuỗi cung ứng trong khu vực và toàn thế giới, hỗ trợ việc hội nhập sâu của các quốc gia thành viên trong ngành logistics, sản xuất và các ngành khác trong chuỗi cung ứng khu vực. Với việc tham gia TPP, dự báo sẽ có một làn sóng đầu tư rất lớn từ các tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam để tận dụng ưu thế mà Hiệp định này mang lại. Doanh nghiệp logistics Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của những tập đoàn đa quốc gia, được tiếp cận với cách quản lý của các công ty hàng đầu để cải thiện dịch vụ logistics của mình; Cộng đồng kinh tế Asean (AEC) sẽ thực hiện tự do luân chuyển năm yếu tố cơ bản: vốn, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động lành nghề. 90% thuế nhập khẩu sản phẩm và dịch vụ từ các nước thành viên sẽ giảm về 0% và 10% số thuế còn lại sẽ về 0% trong năm 2018. AEC được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho các nền kinh tế thành viên. Thúc đẩy logistics vừa là mục tiêu vừa là điều kiện nhằm đảm bảo hiệu quả cho AEC. AEC sẽ giúp Việt Nam cải thiện tốt hơn môi trường kinh doanh từ thủ tục hải quan, thủ tục hành chính tới việc tạo ra các ưu đãi đầu tư, tạo đà cho nền kinh tế Việt Nam phát triển.


Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) mỗi năm chi phí logistics của Việt Nam khoảng 37-40 tỷ USD chiếm 21- 25% GDP cả nước. Hiện cả nước có khoảng trên 1.300 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chủ yếu về dịch vụ giao nhận vận tải, kho bãi, bốc dỡ, đại lý vận tải… tập trung ở khu vực TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Trong đó, có 25 Doanh nghiệp đa quốc gia đang hoạt động trong lĩnh vực này chiếm khoảng 70-80% thị phần cung cấp dịch vụ logistics. Còn lại gần 1.300 doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ và vừa chỉ chiếm 20% thị phần. Các doanh nghiệp này chủ yếu làm đại lý hoặc đảm nhận các công đoạn cho các doanh nghiệp logistics quốc tế.

 

Ngày 03/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1012/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống Trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics khu vực miền Trung- Tây Nguyên: hình thành và phát triển 06 Trung tâm logistics hạng I, hạng II và 01 Trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại địa bàn các vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế. Cụ thể, Hành lang kinh tế đường 8, đường 12 và duyên hải Bắc Trung bộ: 01 trung tâm hạng II có quy mô tối thiểu 20 ha đến năm 2020 và trên 40 ha đến năm 2030. Phạm vi hoạt động chủ yếu từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Kết nối với các cảng cạn, cảng biển (Nghi Sơn, Cửa Lò, Hòn La, Vũng Áng), cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu (thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình); Hành lang kinh tế đường 9: 01 trung tâm hạng II có quy mô tối thiểu 10 ha đến năm 2020 và trên 20 ha đến năm 2030. Phạm vi hoạt động chủ yếu từ các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và phía Bắc Đà Nẵng. Kết nối với các cảng cạn, cảng biển (Hòn La, Chân Mây), cảng hàng không, nhà ga, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu (thuộc các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình)…

 

 

Quảng Bình là tỉnh có vị trí chiến lược về nhiều mặt, có nhiều tiềm năng, thế mạnh và điều kiện thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics. Về đường bộ có quốc lộ 1A, Quốc lộ 12A, đường Hồ Chí Minh; về đường sắt: tuyến đường sắt Bắc Nam chạy dọc theo chiều dài của tỉnh; về đường biển và đường thủy nội địa: có đường bờ biển dài 116 km với 5 cửa sông, có các cảng quan trọng như cảng Nhật Lệ và cảng Gianh..; về hàng không: có sân bay Đồng Hới…Hiện nay, Quảng Bình chưa có chiến lược và quy hoạch tổng thể về phát triển logistics cấp quốc gia và cấp tỉnh. Chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh chưa được gắn kết với hoạt động logistics. Sự thiếu đồng bộ cơ sở hạ tầng về logistics, chưa có các trung tâm logistics quy mô để kết nối các phương tiện vận tải trên địa bàn tỉnh . Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và vị trí của logistics đối với sự phát triển kinh tế của các cấp các ngành trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Các doanh nghiệp logistics ở Quảng Bình chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, thực hiện các dịch vụ logistics đơn lẽ, như: vận tải, lưu kho hàng hóa, bốc xếp, dịch vụ hải quan… so với yêu cầu thực tế thì dịch vụ này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.


Triển khai thực hiện các nội dung Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời xác định vai trò quan trọng của việc phát triển dịch vụ logistics trong việc phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các Sở ban ngành liên quan triển khai thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 nhằm mục tiêu đưa ngành dịch vụ logistics của tỉnh từng bước hội nhập vào thị trường logistics quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020, về đường bộ: các tuyến đường quốc lộ và đường tỉnh phải được đưa vào đúng cấp kỹ thuật. Mở rộng và nâng cấp Quốc lộ 12A, Quốc lộ 9B. Từng bước xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam, tuyến đường bộ ven biển theo quy hoạch được duyệt…; về đường biển và đường thủy nội địa: Đầu tư xây dựng hoàn thành Cảng Hòn La để tiếp nhận các tàu cỡ lớn 30.000- 50.000 DWT, khu trung chuyển cho tàu 70.000- 100.000 DWT , tăng cường năng lực thông qua Cảng Gianh đạt 300.000- 400.000 tấn hàng hóa/năm, cho phép tàu 2.000 DWT ra vào…; về đường sắt: cải tạo, nâng cấp 7/19 nhà ga; phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc chuẩn bị đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam; về hàng không: tiếp tục nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Đồng Hới để nâng cao năng lực vận tải bằng đường hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế, đủ điều kiện để mở các tuyến bay nội địa và quốc tế đến Quảng Bình…


Để tận dụng những cơ hội và vượt qua những thách thức trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp dịch vụ logistics Quảng Bình cần nhanh chóng nắm bắt các quy định về hội nhập trong các FTA, TPP và AEC; nâng cao năng lực cạnh tranh qua việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, giảm giá dịch vụ; Chủ động liên kết với các doanh nghiệp cùng ngành, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm hình thành nên chuỗi cung ứng liên kết đủ mạnh, qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh được với các nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước… Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải hoàn thiện khung pháp lý, thể chế môi trường kinh doanh, cụ thể hóa, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách hiện nay nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước để phát triển hệ thống trung tâm logistics; phải có chính sách hỗ trợ vốn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp logistics; khuyến khích đầu tư và phát triển dịch logistics; nâng cao chất lượng hệ thống giao thông vận tải phục vụ cho hoạt động logistics bao gồm hệ thống đường bộ, đường song, đường biển, đường sắt, các nhà ga, cảng biển, cảng hàng không, bến bãi…; tăng cường thuận lợi hóa trong các hoạt động thương mại gắn kết logistics, góp phần giảm chi phí và tăng giá trị gia tăng cho ngành logistics…


Logistics hiệu quả chính là chìa khóa để doanh nghiệp cạnh tranh một cách bền vững bởi nó mang lại cho khách hàng một sản phẩm với giá cả phù hợp và chất lượng dịch vụ khách hàng như mong đợi. Phát triển dịch vụ Logistics góp phần quan trọng trong thu hút vốn FDI và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Quảng Bình. Góp phần đưa nền kinh tế tỉnh Quảng Bình trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị cung ứng cho thị trường xuất nhập khẩu, gắn nền kinh tế của tỉnh Quảng Bình với nền kinh tế cả nước và khu vực./.


TH: Hoàng Hải Vinh -TT KC& XTTM
 

More