Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 18

  • Hôm nay 596

  • Tổng 8.437.513

Quy hoạch điện VIII - Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết: Giảm quy mô đầu tư gần 2 triệu tỷ đồng

Font size : A- A A+

 Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đặc biệt quan trọng, có độ phức tạp cao và được nhiều cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học cũng như các địa phương trong cả nước quan tâm. Quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch điện VIII của Chính phủ là "đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết".

 

Rà soát toàn diện, cân nhắc mọi yếu tố

 

Theo Bộ Công Thương, Quy hoạch điện VIII được xây dựng trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 
Nhìn nhận về Quy hoạch điện VIII, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) - khẳng định, do tính chất đặc thù, quá trình lập, hoàn thiện Quy hoạch điện VIII đã trải qua nhiều bước, mất rất nhiều thời gian, đảm bảo tính toán một cách thận trọng, cân nhắc mọi yếu tố. "Trên cơ sở phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, năm 2019, 2020 và đầu năm 2021, Bộ Công Thương đã thực hiện các quy trình xây dựng Quy hoạch điện VIII trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả của Quy hoạch điện VII" - ông Hoàng Tiến Dũng thông tin.
 
Quy hoạch điện VIII: Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết - Kỳ I: Giảm quy mô đầu tư gần 2 triệu tỷ đồng
Các nguồn điện mới được xây dựng đảm bảo tính kế thừa, cân đối vùng miền
 
Cụ thể, tháng 3/2021, Bộ Công Thương đã báo cáo Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Quy hoạch điện VIII. Tuy nhiên, bản dự thảo quy hoạch vẫn còn một số tồn tại, bất cập cần tiếp tục được rà soát, hoàn thiện.
 
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến các bộ, cơ quan, các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng. Ngày 8/10/2021, Bộ Công Thương đã có Tờ trình 6277/TTr-BCT trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch điện VIII.
 
Với phiên bản này, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, trên cơ sở cập nhật những cam kết của Việt Nam về giảm phát thải tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Đây là vấn đề đặt ra đối với Quy hoạch điện VIII nhằm thực hiện cam kết này, cũng như yêu cầu về phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
 
Trong hơn 1 năm kể từ khi trình Thủ tướng, quy hoạch tiếp tục được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật và dự thảo hiện nay đã có nhiều thay đổi. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có khoảng 20 cuộc họp, làm việc với Bộ Công Thương, các bộ, ngành, cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học để lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo đúng các nghị quyết, kết luận có liên quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cam kết quốc tế của Việt Nam.
 
Vừa qua, Thường trực Chính phủ đã nghe Bộ Công Thương báo cáo về các nội dung hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và đã có kết luận tại Thông báo số 92/ TB-VPCP ngày 31/3/2022 của Văn phòng Chính phủ. Bộ Công Thương đã có Văn bản số 69/BC-BCT ngày 8/4/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo kết luận của Thường trực Chính phủ. Ngày 15/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương về Quy hoạch điện VIII.
 
Cắt giảm mạnh điện than, tăng năng lượng tái tạo
 
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII Bộ Công Thương mới trình Chính phủ vào đầu tháng 4/2022, tổng quy mô công suất nguồn điện dự kiến phát triển đến năm 2030 khoảng 146.000 MW; giảm khoảng 35.000 MW so với dự thảo trước. Công suất cực đại dự kiến vào năm 2030 vào khoảng 93.000 MW. "Giảm quy mô đầu tư theo quy hoạch gần 2 triệu tỷ đồng, trong đó giảm đầu tư công suất nguồn khoảng 35.000MW, giảm đầu tư hệ thống truyền tải gần 300 ngàn tỷ đồng"- dự thảo nêu cụ thể.
 
Quy hoạch điện VIII: Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết - Kỳ I: Giảm quy mô đầu tư gần 2 triệu tỷ đồng
Khuyến khích phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo. Ảnh: Cấn Dũng
 
Ông Hoàng Tiến Dũng cho biết thêm, dự thảo lần này đã giảm triệt để phát thải khí CO2 do không phát triển các nhà máy nhiệt điện than mới chưa có trong quy hoạch, dừng phát triển hoặc thay thế bằng các nguồn sử dụng nhiên liệu khác đối với một số nhà máy nhiệt điện than đã có trong quy hoạch nhưng chưa có chủ đầu tư, không được các địa phương ủng hộ. Thực hiện chuyển đổi nhiên liệu từ than sang biomass và amoniac, từ khí tự nhiên, LNG sang hydrogen khi các công nghệ sử dụng amoniac và hydrogen được kiểm chứng và thương mại hóa. Dự thảo cũng nhằm từng bước hiện thực hóa cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP26 trong việc đưa phát thải ròng của Việt Nam bằng 0 vào năm 2050.
 
Theo Bộ Công Thương, phương án sau rà soát sẽ giảm tối đa điện than với tỷ trọng giảm dần từ 25,7% vào 2030 và giảm về còn 9,6% năm 2045. Ngoài chuyển đổi nhiên liệu, phương án các nguồn điện tại dự thảo Quy hoạch điện VIII lần này được tính toán, khuyến khích phát triển mạnh các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời quy mô lớn, điện sinh khối...). Các nguồn điện này sẽ tăng dần tỷ trọng trong cơ cấu nguồn điện, gần 24% vào 2030 tăng lên hơn 50% vào 2045. Chẳng hạn, tỷ trọng điện gió sẽ tăng từ 10,8% lên 15,8% tổng công suất nguồn đặt vào năm 2030, trong đó riêng điện gió ngoài khơi là 4,8%.
 
"Phương án phát triển nguồn điện mới đã hướng tới giảm tối đa phát triển các nguồn điện than gây phát thải khí nhà kính. Lượng phát thải khí CO2 đáp ứng cam kết của ngành điện trong thực hiện trung hòa khí CO2 vào năm 2050. Phương án này cũng tăng tính chủ động trong cung cấp điện, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu" - Bộ Công Thương nêu trong phương án trình Chính phủ.
 
Thường trực Chính phủ đánh giá cao cố gắng, nỗ lực của Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.

 

Theo: https://congthuong.vn/quy-hoach-dien-viii-dat-loi-ich-quoc-gia-dan-toc-len-tren-het-giam-quy-mo-dau-tu-gan-2-trieu-ty-dong-175551.html

 

More