Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 11

  • Hôm nay 3032

  • Tổng 8.376.859

Việt Nam hướng tới phát triển nền kinh tế xanh

Font size : A- A A+

Kinh tế Xanh là một nền kinh tế hướng tới mục tiêu cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội, đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên. Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập và việc làm thông qua việc đầu tư của Nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm phát thải cacbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái, góp phần giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu như: biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng... Đây là hướng phát triển mới, xét về dài hạn là hướng tiếp cận phù hợp với xu thế phát triển chung của hệ thống kinh tế toàn cầu.


Anh minh họa

 

Vai trò của nền kinh tế xanh:


       Kinh tế xanh đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững; sự phát triển ấy có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng hay làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai.


       Kinh tế xanh còn góp phần xóa đói giảm nghèo, mà không phải trả giá đắt cho việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên như: khoáng sản, nước, rừng, không khí... Hạn chế được sự suy giảm đa dạng sinh học và suy thoái các hệ sinh thái; giúp kinh tế nông – lâm – ngư... phát triển ổn định.


       Kinh tế xanh tạo ra hàng loạt việc làm mới và có nhiều tiềm năng. Đó là việc làm có năng suất lao động cao, cùng với hiệu quả về cải thiện môi trường sinh thái và ổn định lượng khí thải ra ở mức thấp...
Bằng cách thúc đẩy đầu tư vào lâm nghiệp xanh, các Chương trình Kinh tế xanh sẽ góp phần ổn định đời sống của hơn 1 tỉ người đang sinh sống bằng các sản phẩm từ gỗ và chất xơ, với tổng thu nhập chỉ chiếm 1% GDP toàn cầu.


       Kinh tế xanh còn giúp các nước đang phát triển như Việt Nam đạt được các lợi ích kinh tế và xã hội về nhiều mặt như: phát triển năng lượng sạch, bền vững; bảo đảm an ninh lương thực thông qua việc sử dụng nhiều phương pháp nông nghiệp bền vững và nhờ hàng háo và dịch vụ “xanh”; an ninh năng lượng cho các quốc gia được đảm bảo; các ảnh hưởng môi trường được hạn chế...


Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi theo hướng phát triển kinh tế xanh, vậy cơ hội và thách thức: 


       Hiện nay, các cơ quan Liên hợp quốc có hàng loạt sáng kiến thúc đẩy hướng tới nền kinh tế xanh và đang thu được kết quả tốt đẹp như: Sản xuất sạch hơn và hiệu quả nguồn tài nguyên (UNEP và UNIDO), Kinh tế xanh (UNEP), Đầu tư công nghệ sạch bền vững (UNESCO), Giải pháp năng lượng xanh (UN WTO)... Với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020 của Việt Nam hiện nay (Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu) rất phù hợp với định hướng phát triển trên. Do đó, Việt Nam có thể đề xuất tham gia vào các chương trình thúc đẩy tăng trưởng xanh của Liên hợp quốc.


       Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có lợi thế về nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú, vị trí địa lý chính trị quan trọng, thuận lợi cho quá trình phát triển nền kinh tế xanh. Đồng thời nguồn lực lao động của nước ta hiện nay đang ở giai đoạn “ dân số vàng”, nhân dân ta có truyền thống cần cù lao động, sống hài hòa với thiên nhiên, có khả năng tiếp thu kỹ năng quản lý để phát triển nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ hiện đại cũng như các nguồn lực chủ yếu của tăng trưởng xanh.


       Tuy nhiên, để chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, Việt Nam vẫn gặp phải một số khó khăn và thách thức. Trình độ phát triển chưa cao, vẫn còn tụt hậu so với nhiều nước sau chiến tranh kéo dài, để lại những hậu quả nặng nề; Công nghệ sản xuất chưa được phát triển, năng suất lao động và trình độ công nghệ còn thấp...; Tài nguyên thiên nhiên bị suy thoái nghiêm trọng,những thói quen cũ trong sản xuất, đời sông và quản lý chậm thay đổi, cần phải có những chuyển biến mang tính chiến lược hơn...


Trước những cơ hội và thách thức đó, Việt Nam cần làm gì để có thể hướng tới nền kinh tế xanh? Những giải pháp phát triển nền kinh tế xanh:


       Tăng trưởng xanh phải là tăng trưởng do con người và vì con người, phát triển hài hòa đời sống xã hội với môi trường tự nhiên, góp phần giải quyết yêu cầu tăng trưởng hợp lý với giảm nghèo bền vững, bảo đảm sự bình đẳng trong cơ hội phát triển cho mỗi người với điều kiện thụ hưởng hợp lý, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong phát triển.


       Tăng trưởng xanh phải dựa trên việc tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế ngay trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu.


       Tăng trưởng xanh phải dựa trên cơ sở khoa học, thực hiện chuyển giao công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý tiên tiến, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp giữa nội lực với mở rộng hợp tác quốc tế, tạo thành nguồn lực tổng thể cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.


TH: Thu Hiền - TTKC
 

More