Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 10

  • Hôm nay 3029

  • Tổng 8.376.856

Doanh nghiệp Việt Nam với “phát triển bền vững”

Font size : A- A A+

Phát triển bền vững đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, là xu thế tất yếu của thời đại, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò tích cực trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia, đặc biệt trong giai đoạn cạnh tranh gay gắt và hội nhập kinh tế mạnh mẽ hiện nay.

Ảnh Minh hoạ


Tháng 9/2015, lãnh đạo 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã chính thức thông qua Chương trình Nghị sự 2030 bao gồm 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững nhằm giải quyết những thách thức của sự phát triển kinh tế – xã hội toàn diện, đảm bảo tính bền vững của môi trường và quản trị tốt. Theo đó, 17 mục tiêu Phát triển Bền vững gồm: Xóa đói; Xóa nghèo; Cuộc sống khỏe mạnh; chất lượng giáo dục; bình đẳng giới; nước sạch và vệ sinh; năng lượng sạch và bền vững; việc làm đàng hoàng và tăng trưởng kinh tế; công nghiệp đổi mới và cơ sở hạ tầng; giảm bất bình đẳng; đô thị và cộng đồng bền vững; tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm; hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; tài nguyên nước; tài nguyên đất; hòa bình công bằng và thể chế vững mạnh; hợp tác để hiện thực hóa các mục tiêu.


Hiện nay, những biến đổi theo chiều hướng tiêu cực của môi trường trong quá trình phát triển kinh tế đã và đang tạo ra mối lo cho nhiều quốc gia và đe dọa về sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế toàn cầu. Theo nhiều nhà phân tích quốc tế, mặt trái của nền kinh tế phát triển là các vấn đề về thay đổi khí hậu toàn cầu, môi trường bị thoái hóa, cạn kiệt nguồn tài nguyên. Từ đó, các nền kinh tế phải gánh chịu hậu quả từ sự phát triển nhanh chóng dựa trên sự khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên, với nền công nghiệp xả khói bụi và chất độc hại ra môi trường. Trong bối cảnh đó, phát triển bền vững trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của các quốc gia, hướng đến một nền kinh tế xanh – đảm bảo sự phát triển lâu dài cho thế hệ tương lai. Có thể nói, doanh nghiệp là một đối tác quan trọng trong việc hiện thực hoá các Mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, mục tiêu phát triển bền vững về kinh tế đặt ra là đạt được sự tăng trưởng ổn định với cơ cấu kinh tế hợp lý, đáp ứng được yêu cầu nâng cao đời sống của nhân dân. Các doanh nghiệp có thể đóng góp vào quá trình này với vai trò như là đại sứ trong việc thay đổi xã hội và kinh tế cũng đang nỗ lực thể hiện rõ những đóng góp trong việc thực hiện mục tiêu chung của quốc gia.


Trong xu hướng chung của thế giới, Việt Nam cũng đã xây dựng chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020, chú trọng đến việc cân bằng các yếu tố xã hội, kinh tế, môi trường. Doanh nghiệp với vai trò quan trọng trong việc thay đổi xã hội và kinh tế cần nỗ lực thể hiện rõ những đóng góp trong việc thực hiện mục tiêu chung của quốc gia. Thực tế, việc xây dựng mục tiêu phát triển bền vững cũng mang lại những lợi ích nhất định cho doanh nghiệp khi đóng góp trực tiếp đến giá trị kinh doanh, ví dụ như tạo ra doanh thu, kiểm soát chi phí, quản lý rủi ro và các giá trị dài hạn khác. Do vậy, nhiều doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu kết hợp yếu tố bền vững vào hoạt động của mình như là một phần của kế hoạch phát triển chiến lược dài hạn. Trong thời gian tới, việc thực hiện tốt phát triển bền vững sẽ tạo rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong việc nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, thu hút nguồn nhân lực, các nhà đầu tư... đồng thời, cải thiện được năng suất và giảm chi phí thông qua việc bố trí tận dụng các nguồn lực và bảo tồn tài nguyên, giúp nâng cao năng suất của nhân viên và giảm thiểu chi phí, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đóng góp vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững.


Để thực hiện quá trình phát triển một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần gắn chiến lược với các mục tiêu cụ thể để định hình rõ nét hơn các hành động cần triển khai nhằm hoàn thành mục tiêu. Cụ thể, cần chú trọng vào một số vẫn đề sau:


     1. Để phát triển bền vững có thể triển khai tại doanh nghiệp, cần có sự cam kết và tham gia của lãnh đạo doanh nghiệp thông qua việc gắn kết các vấn đề bền vững trong chiến lược kinh doanh một cách hài hòa, phù hợp với mô hình kinh doanh của từng doanh nghiệp. Sự nhận thức đúng đắn và vào cuộc mạnh mẽ của các nhà quản trị sẽ là yếu tố tiên quyết giúp doanh nghiệp gắn kết mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh của mình.


     2. Nghiêm túc thực hiện xây dựng nội dung phát triển bền vững theo quy định của pháp luật. Cụ thể, nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp đại chúng đối với môi trường và xã hội tiến tới xây dựng một nền tài chính xanh, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050.


     3. Việc đánh giá hiệu quả hoạt động thông qua báo cáo phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp có những đánh giá và điều chỉnh kịp thời, phù hợp với định hướng và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín với đối tác, khách hàng, cổ đông… Do vậy, các doanh nghiệp cần hướng đến việc xây dựng báo cáo phát triển hàng năm.


     4. Với xu hướng mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay của đất nước, cơ hội hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng rộng mở hơn, do vậy các doanh nghiệp cần tích cực chủ động nghiên cứu học tập các mô hình phát triển bền vững trên thế giới để áp dụng thực tế tại doanh nghiệp mình, qua đó góp phần thực hiện tốt việc gắn kết mục tiêu phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.


Ngày nay, khi Việt Nam là một quốc gia thu nhập trung bình và có sự phát triển nhanh, thì “Thực hiện các mục tiêu Phát triển Bền vững” chính là hướng tới sự hình thành các mối quan hệ hợp tác mới, một nền kinh tế toàn cầu bình đẳng, bền vững và hội nhập hơn./.


TH: Thu Hiền - TTKC

More