Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 23

  • Hôm nay 4966

  • Tổng 9.395.776

Mang nghề may về làng

Xem với cỡ chữ : A- A A+

"Trong một lần về quê chơi, thấy cuộc sống người dân còn khá vất vả, ngoài làm nông, lúc mùa màng rảnh rỗi họ chỉ biết đi bốc vác bạch đàn thuê, nhiều người không đủ sức khỏe nhưng vẫn cố gắng làm..., tôi bắt đầu có suy nghĩ sẽ thành lập xưởng may nhỏ để tạo việc làm cho một số người dân nơi đây”, đó là chia sẻ của anh Nguyễn Tiến Thái (SN 1985) ở xã Quảng Hợp (Quảng Trạch), Giám đốc Công ty TNHH May Thái Phương khi nói về quá trình mang nghề may về làng của mình.

 

Về quê khởi nghiệp
 
Sau 12 năm lăn lộn mưu sinh làm thuê ở miền Nam, anh Nguyễn Tiến Thái trở về quê và mở một xưởng may nhỏ. Từ xưởng may nhỏ quy mô chỉ 30 máy, dần dần anh mở rộng xưởng và thành lập thêm xưởng may thứ hai.
 
Nói về cơ duyên của mình với nghề may, anh chia sẻ: “Cách đây hơn 5 năm, tôi đang làm công nhân may cho một công ty ở TP. Hồ Chí Minh. Nhờ có tay nghề và được công ty cho đi đào tạo thêm về nghề nên sau khoảng thời gian làm công nhân, tôi được công ty cất nhắc cho làm một chức quản lý nhỏ. Tuy nhiên, dù được làm quản lý thì với tôi, danh đi làm thuê vẫn là đi làm thuê”.
 
Đầu năm 2019, trong một dịp về quê, anh nhận thấy nguồn lao động trẻ ở địa phương tương đối nhiều. Lúc mùa màng nhàn rỗi, người dân kiếm những việc vất vả làm thêm, điều này khiến anh suy nghĩ về việc mở xưởng may ở quê để người dân có việc làm ổn định. Trở lại miền Nam làm việc, ý định đó càng thôi thúc anh trở về quê để khởi nghiệp.

Công ty TNHH May Thái Phương đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.


Tháng 4/2019, anh Thái quyết định dẫn vợ con về quê để bắt tay làm lại từ đầu. Được sự động viên, khuyến khích của người thân và chính quyền địa phương, với chút vốn nhỏ sau nhiều năm đi làm ở miền Nam, vợ chồng anh đã đầu tư xây dựng nhà xưởng và mua máy móc để thành lập một xưởng may nhỏ ở xã.  
 
Thời điểm đầu, anh mua 30 máy và nhận 35 người địa phương vào làm. Sau thời gian mở xưởng, với kinh nghiệm nhiều năm làm việc, anh nhanh chóng tìm được các đơn hàng gia công may. Sau thời gian hợp đồng làm gia công hàng thời trang, thấy xưởng của anh làm chất lượng, uy tín nên các công ty này đã hợp tác lâu dài và dần tăng số lượng đơn hàng. “Hiện tại, hàng nội địa của công ty tôi đang nhận gia công cho hãng áo chống nắng Laroma. Còn đối với đơn hàng xuất khẩu thì nhận gia công cho một số công ty ở TP. Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi tháng, công ty nhận đơn hàng gia công cho hơn 20.000 sản phẩm hàng thời trang các loại”, anh Thái cho biết.
 
Đơn hàng tăng nên anh Thái quyết định mở rộng thêm xưởng may ở Quảng Hợp và quyết định mở thêm một xưởng may ở xã Quảng Tùng. Do mới ổn định sản xuất nên anh gặp khó khăn về nguồn vốn. May mắn là anh được tiếp cận các gói vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) nên mạnh dạn mua thêm máy móc để hoàn thiện và đưa vào hoạt động xưởng may thứ hai.  
 
Tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương
 
Xưởng may thứ hai đi vào hoạt động, đồng nghĩa với việc nhiều lao động địa phương có thêm việc làm. Hiện tại, 2 cơ sở may của anh đã tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho hơn 100 lao động địa phương ở các xã, như: Quảng Hợp, Quảng Tùng và Quảng Châu.

Công ty TNHH May Thái Phương đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.


“Hầu hết những lao động địa phương được tuyển vào làm cho công ty là lao động nông thôn ở các xã, chưa hề được đào tạo về nghề may mặc và cũng chưa từng làm nghề may. Chính vì vậy, để họ làm được việc và làm có chất lượng, công ty đã mở các lớp đào tạo miễn phí cho họ để phục vụ sản xuất. Chúng tôi đã phối hợp với một trường đào tạo nghề để hỗ trợ đào tạo nghề may cho lao động địa phương. Nếu trúng đợt đào tạo do trường đó hỗ trợ thì công ty chỉ hỗ trợ tiền ăn uống cho mọi người. Còn nếu không trúng đợt trường hỗ trợ thì toàn bộ kinh phí khóa học nghề đều do công ty hỗ trợ hoàn toàn”, anh Thái cho biết.
 
Ngoài những lao động có sức khỏe được tuyển vào làm thì công ty cũng nhận một số trường hợp lao động bị khuyết tật vào đào tạo và làm việc. Anh Thái tâm sự: “Hiện, công ty có khoảng 4 lao động là người khuyết tật, không thể làm được những công việc nặng. Công ty chúng tôi đã nhận vào làm với mong muốn giúp đỡ gia đình họ và bản thân những người khuyết tật này có công việc ổn định. Bằng sự chăm chỉ, cần cù và được đào tạo nghề nên hầu hết những lao động đang làm việc tại 2 xưởng của công ty đều làm tốt công việc được giao, chất lượng sản phẩm cũng được các công ty đánh giá cao”.
 
“Lúc tôi quyết định về quê, vợ cũng chưa hoàn toàn tin tưởng và ủng hộ. Nhưng sau thời gian mở cơ sở 1, vợ đã ủng hộ và cũng quyết định về quê để hỗ trợ công việc giúp tôi. Sau gần 5 năm quyết định trở về quê hương lập nghiệp, đến thời điểm hiện tại, điều tôi và vợ vui mừng nhất ngoài việc công ty đã đi vào hoạt động ổn định thì hàng tháng người dân địa phương đã có thêm việc làm và thu nhập. Công việc may gia công đã phần nào giúp cuộc sống của họ bớt đi phần nào vất vả so với những công việc lam lũ, nặng nhọc trước đây”, anh Thái bộc bạch.


 
Công ty TNHH May Thái Phương hiện đang tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho hơn 100 lao động địa

phương  với thu  nhập bình  quân từ 4,5-7,5 triệu  đồng/tháng. Nhờ tìm được  nguồn hàng  may thời trang

trong  nước  và  xuất  khẩu, công  ty  đã  nhanh  chóng đi vào hoạt động  ổn  định  và  cho thu  nhập  cao.


Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202306/mang-nghe-may-ve-lang-2210033/

Các tin khác