Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 5

  • Hôm nay 396

  • Tổng 8.194.225

Khuyến công Quảng Bình triển khai có hiệu quả Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2015 – 2020

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Trong giai đoạn 2015 - 2020, thực hiện“Chương trình Khuyến công tỉnh Quảng Bình đến năm 2020” theo Quyết định số 1490/QĐ-UBND ngày 05/6/2015 của UBND tỉnh Quảng Bình, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình đã tổ chức triển khai thực hiện đào tạo nghề, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.

 

Các đề án về đào tạo nghề đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người lao động, được các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh đánh giá cao, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, cơ cấu kinh tế của các địa phương, phục vụ cho sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh, đồng thời cũng góp phần hoàn thành các chỉ tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm của tỉnh.


Qua 5 năm triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, công tác đào tạo nghề, truyền nghề được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tổ chức theo hướng: Hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề theo dạng liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp (đào tạo nghề may công nghiệp, mây xiên...); cơ sở tự đào tạo nghề, truyền nghề (nón lá, chổi đót, mây xiên, mộc mỹ nghệ, cơ khí, chế biến thủy sản...); mời chuyên gia đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề mới (mây xiên xuất khẩu). Đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng chương trình, giáo trình đào tạo, phù hợp cho từng thời kỳ và sự phát triển của thực tế sản xuất, kinh doanh.


Trong giai đoạn này, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề cho 1.470 lao động, trong đó khuyến công quốc gia 910 lao động, khuyến công địa phương 560 lao động. Các lớp đào tạo nghề theo mô hình đã tạo sự chuyển biến mạnh trong nhận thức của lao động nông thôn đối với hoạt động đào tạo nghề, các lớp học được các giáo viên, nghệ nhân có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu và trình độ tay nghề cao đã bước đầu hình thành kỹ năng, tay nghề, truyền thụ được độ tinh xảo, nghệ thuật. Một số mô hình đạt hiệu quả cao và được triển khai trên diện rộng như mô hình làm hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu song mây, mô hình thêu ren trên nón cho hội viên phụ nữ tại huyện Lệ Thủy, mô hình mây lục giác, nón lá cho xã viên HTX Quảng Văn hay mô hình đào tạo nghề may công nghiệp cung cấp nguồn lao động có tay nghề cao cho các công ty may trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Lao động sau khi được đào tạo nghề đều được các cơ sở CNNT tuyển dụng vào làm việc và có mức thu nhập phổ biến từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.


Bế giảng lớp ĐTN thêu trên nón tại xã Liên Thủy do TTKC&XTTM hỗ trợ năm 2019


Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế nhất định như sau: Công tác đào tạo nghề, du nhập phát triển nghề mới đã được quan tâm triển khai thực hiện nhưng hiệu quả còn hạn chế, khó duy trì và phát triển nghề. Đối tượng lao động nông thôn tham gia học nghề không đồng đều về độ tuổi, trình độ nhận thức, điều kiện gia đình nên cũng khó khăn trong tổ chức đào tạo; một số lao động qua đào tạo nghề vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, chưa duy trì được nghề lâu dài. Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục và sâu rộng về mục tiêu, chính sách đến người lao động nên nhận thức về học nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo của bộ phận lao động nông thôn còn chưa cao. Mặt khác, ngân sách bố trí cho chương trình đào tạo nghề còn hạn hẹp, chưa đảm bảo để tổ chức thực hiện đồng bộ tất cả các nội dung theo yêu cầu đề ra.


Từ những kết quả đạt được và những tồn tại như trên Trung tâm đề ra phương hướng nhiệm vụ trong công tác đào tạo nghề giai đoạn 2021 - 2025 như sau: tập trung hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đặc biệt là thợ lành nghề, công nhân kỹ thuật cao; đào tạo nghề nghiệp theo nhu cầu của các cơ sở CNNT gắn với yêu cầu của thị trường; Các ngành nghề ưu tiên hỗ trợ đào tạo: giải quyết nhiều việc làm, sản xuất sản phẩm phục vụ du lịch và xuất khẩu, khôi phục phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, kỹ thuật; bồi dưỡng nâng cao cho nghệ nhân, thợ giỏi, người có tay nghề cao để hình thành đội ngũ giảng viên phục vụ chương trình đào tạo nghề, nâng cao tay nghề, truyền nghề khu vực nông thôn./.


TH: Phan Thị Nhàn - TTKC&XTTM

Các tin khác