Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 12

  • Hôm nay 10699

  • Tổng 8.837.183

Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý hóa chất

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Là ngành công nghiệp quan trọng, có độ rủi ro cao trong sản xuất, kinh doanh, do vậy nâng cao hiệu quả công tác quản lý hóa chất là rất cần thiết.

 

Ông Phạm Huy Nam Sơn- Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương đã trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh nội dung này!

 

Xin ông nhận diện về những khó khăn trong công tác quản lý hóa chất ở bối cảnh thực tiễn hiện nay?

 

Ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, hội nhập sâu, rộng với nền kinh tế thế giới. Nhu cầu về sản phẩm hóa chất ngày càng tăng, theo đó, nhập khẩu nhiều loại hóa chất nguy hiểm, đây là một thách thức cho công tác quản lý.

 

Dự án mới trong lĩnh vực hóa chất đã sử dụng công nghệ hiện đại nhưng còn không ít dự án cũ nằm gần khu dân cư tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, còn sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ.

 

Một khó khăn nữa cần điểm tên trong công tác quản lý hóa chất là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, còn sự chồng chéo giữa các văn bản, bộ ngành.

 

Trong thời gian vừa qua, nhiều quy định pháp luật mới như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Luật Phòng chống ma túy, Luật Quản lý, sử dụng Vũ khí, Vật liệu nổ và Công cụ hỗ trợ, Luật Bảo vệ môi trường được ban hành với nhiều điểm đổi mới so với thời điểm ban hành Luật Hóa chất. Những thay đổi này cùng với xu hướng chuyển hệ thống quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cải cách, hiện đại hóa hành chính dẫn tới việc các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hóa chất phải thay đổi theo, dần làm giảm tính hài hòa, thống nhất trong toàn bộ hệ thống quy định về quản lý hóa chất.

 

Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý hóa chất
Ông Phạm Huy Nam Sơn- Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương

Nguồn nhân lực trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực hóa chất còn mỏng. Nhiều Sở ngành, UBND tỉnh, thành phố thiếu cán bộ chuyên môn, kinh nghiệm về công tác quản lý hóa chất, thường là kiêm nhiệm.

 

Ngoài ra, công tác quản lý hóa chất hiện còn gặp khó từ: Ý thức quản lý hóa chất tại doanh nghiệp, địa phương còn chưa cao; Luật Hóa chất và các văn bản hướng dẫn còn thiếu các quy định phù hợp để quản lý các đối tượng sản xuất, kinh doanh hóa chất có tính chất đặc thù; nhiều hóa chất nguy hiểm trong công nghiệp nhưng được sử dụng sai mục đích; các quy định về hoạt động sử dụng hóa chất hiện nay chưa tương xứng với mức độ rủi ro.

 

Trước khó khăn đã điểm, trong thời gian tới Cục Hóa chất sẽ có những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực quản lý hóa chất, nhất là công tác quản lý hóa chất trong doanh nghiệp, thưa ông?

 

Cục Hoá chất đã và sẽ thường xuyên thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua hoạt động rà soát, giải đáp kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy định về quản lý hóa chất tại Cổng thông tin phản ánh kiến nghị của Chính phủ, Bộ Công Thương và công văn gửi đến Cục, cũng như tại các cuộc thanh tra, kiểm tra và làm việc trực tiếp.

 

Hàng năm Cục Hoá chất đều xây dựng Chương trình truyền thông nhằm tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động hóa chất.

 

Tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực hóa chất, tạo cơ sở cho doanh nghiệp triển khai công tác quản lý một cách kịp thời hiệu quả.

 

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp về thực thi các quy định quản lý hoá chất, Cục Hoá chất hiện đang xây dựng xây dựng và triển khai Kế hoạch truyền thông về quản lý và phát triển công nghiệp trong lĩnh vực hóa chất giai đoạn 2024-2027.

 

Được biết, Bộ Công Thương đã lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi), thay thế cho Luật Hóa chất năm 2007, xin ông cho biết lộ trình và kỳ vọng việc sửa đổi Luật Hóa chất sẽ đem lại những lợi ích gì cho công tác quản lý hóa chất trong thời gian tới?

 

Luật Hóa chất được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007, qua thực thi đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với tình hình thực tế, do vậy Bộ Công Thương đã lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi), thay thế cho Luật Hóa chất năm 2007.

 

Về lộ trình, Luật Hoá chất sửa đổi dự kiến được xây dựng trong giai đoạn 2023 – 2025 với một số mốc lộ trình chính: Quý 1/2024, thành lập Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập, xây dựng dự thảo 1 và tổ chức các hội thảo lấy ý kiến tại 3 miền; quý II/2024, hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật, trình Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét; quý III/2024 – quý I,II/2025, Trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp lần thứ 8 (tháng 10/2024), hoàn thiện Dự án Luật và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp lần thứ 9 (tháng 5/2025); dự kiến quý III,IV/2025, công bố Luật và thực hiện chương trình phổ biến Luật Hoá chất sửa đổi.

 

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hóa chất là hết sức cần thiết
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý hóa chất là rất cần thiết

 

Luật Hoá chất sửa đổi sau khi được ban hành và đưa vào thực thi sẽ mang lại nhiều lợi ích và giải quyết đáng kể những điểm nghẽn trong công tác quản lý.

 

Theo đó, luật giúp hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ hoạt động hóa chất hướng tới tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời bảo vệ con người, môi trường trước những tác động nguy hại của hóa chất; thúc đẩy ngành công nghiệp hóa chất phát triển theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng của thế giới về kinh tế tuần hoàn, hóa học xanh.

 

Đơn giản hoá và điện tử hoá các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dễ dàng tuân thủ, thực hiện; chuyển dần từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong công tác quản lý nhà nước về hoá chất; hoàn thiện cơ chế phối hợp liên ngành, phối hợp giữa trung ương và địa phương; cơ chế phân cấp – phân quyền trong quản lý hoá chất

 

Tích hợp, nội luật hóa các cam kết quốc tế trong luật làm cơ sở pháp lý để thực thi các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

 

Việt Nam có định hướng khuyến khích đầu tư xây dựng các Tổ hợp công nghiệp hóa chất, khu công nghiệp hóa chất chuyên sâu với nhiều doanh nghiệp có liên quan để tạo thành chuỗi liên kết nhằm phát triển quy mô kinh tế tuần hoàn nhưng nhiều địa phương còn “e ngại” với các dự án hóa chất, vậy trong thời gian tới, ngành hóa chất cần có những giải pháp như thế nào nhằm xóa đi mối lo ngại này, thưa ông?

 

Thời gian qua, ngành hóa chất đã có bước phát triển nhiều mặt khi áp dụng công nghệ mới, hiện đại, thiết bị tiên tiến, điều khiển tự động, không những hiệu quả sản xuất tăng, định mức tiêu hao nguyên liệu giảm, mà các yếu tố an toàn, bảo vệ môi trường cũng được nâng cao.

 

Tuy nhiên, dự án hóa chất cũng tiềm ẩn nguy cơ phát thải hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe con người, có nguy gây ô nhiễm môi trường hoặc phát thải các chất gây biến đổi khí hậu. Nhiều dự án hóa chất trong thời gian qua đã gây hoang mang dư luận về nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến môi trường sinh thái. Do vậy, nhiều địa phương còn e ngại việc đầu tư các dự án hóa chất.

 

Về giải pháp cho vấn đề này, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 có định hướng phát triển ngành theo cả chiều rộng và chiều sâu.

 

Một mặt, xây dựng ngành công nghiệp hoá chất theo hướng hiện đại với cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, bao gồm sản xuất tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng, phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác. Mặt khác, ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn.

 

Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên không tái tạo, tăng khả năng khai thác, phát triển, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên tái tạo (kể cả chất thải) để đồng thời giải quyết những xung đột về môi trường và xã hội.

 

Đây là lý do mà phát triển các tổ hợp hoá chất tập trung, trung tâm logistics về hoá chất được coi là giải pháp đột phá trong Chiến lược phát triển ngành. Các khu công nghiệp hoá chất tập trung sẽ thu hút dự án sản xuất hóa chất và dự án sử dụng hóa chất để sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp khác. Các sản phẩm và chất thải của nhà máy này trở thành nguyên liệu của nhà máy khác trong tổ hợp, giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp, đồng thời nhờ đó hình thành được mô hình kinh tế tuần hoàn, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng trong toàn ngành. Các khu công nghiệp hóa chất tập trung được định hướng xây dựng tại các địa điểm vị trí địa - kinh tế, chính trị thuận lợi, có lợi thế về nguồn nguyên liệu, cung cấp đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dịch vụ cho người lao động, dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa…, có hệ thống quản lý, giám sát để đảm bảo yêu cầu về an toàn, môi trường.

 

Việc hình thành các khu công nghiệp hoá chất tập trung sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo động lực cho phát triển công nghiệp hóa chất, hứa hẹn đem lại diện mạo mới cho ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam về một ngành công nghiệp xanh và hiện đại. Hiện nay, bước đầu đã có 5 địa phương là Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận và Bình Thuận rất ủng hộ và chủ trương thu hút xây dựng khu công nghiệp hoá chất tập trung tại địa phương.

 

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất xây dựng khung khổ pháp luật, xây dựng các chính sách hỗ trợ đủ mạnh làm tiền đề cho ngành công nghiệp hóa chất phát triển thành ngành công nghiệp nền tảng hiện đại.

 

Xin cảm ơn ông!

 

https://congthuong.vn/nhieu-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-quan-ly-hoa-chat-302249.html

Các tin khác