Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 13

  • Hôm nay 8763

  • Tổng 8.835.228

Ngành dệt may, da giày: Phát triển thị trường mới nhưng không “nới cũ”

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Đa dạng thị trường xuất khẩu, phát triển bền vững là những giải pháp quan trọng Bộ Công Thương đã và đang hỗ trợ cho ngành dệt may, da giày.

 

Xuất khẩu tăng nhưng chưa hết khó

 

Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2024, dệt may và da giày tiếp tục nằm trong nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao của cả nước và chỉ xếp sau mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phương tiện khác.

 

Trong đó, mặt hàng dệt, may đạt 13,116 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2023; giày, dép đạt 8,639 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… vẫn là những thị trường xuất khẩu chính của 2 nhóm ngành hàng.

 

Sự hồi phục của những nền kinh tế lớn, trong đó có những thị trường truyền thống của dệt may, da giày Việt Nam được đánh giá có khởi sắc giúp 2 ngành đạt kim ngạch xuất khẩu cao.

 

Ngành dệt may, da giày: Phát triển thị trường mới nhưng không “nới cũ”

Ngành dệt may, da giày: Phát triển thị trường mới nhưng không “nới cũ”

 

Tại Mỹ, tăng trưởng GDP Mỹ được dự đoán sẽ cao hơn vào năm 2024 ở mức 2,7%. EU, GDP quý I/2024 tăng 0,3%, đây là quý tăng trưởng cao nhất kể từ quý III/2022 và quý đầu tiên sau 2 quý liên tiếp không tăng trưởng. Lạm phát khu vực đồng Euro trong tháng 4/2024 ở mức 2,4%.

 

Tăng trưởng ở Nhật Bản cũng được dự báo sẽ phục hồi ổn định, với nhu cầu trong nước được củng cố bởi mức tăng lương thực tế mạnh hơn, tiếp tục chính sách tiền tệ hỗ trợ và cắt giảm thuế tạm thời. GDP dự kiến sẽ tăng 0,5% vào năm 2024 và 1,1% vào năm 2025.

 

Còn tại Việt Nam, nền kinh tế có tín hiệu phục hồi theo xu hướng thế giới với kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước trong 5 tháng đầu năm ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.

 

Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt - May - Thêu - Đan thành phố Hồ Chí Minh, nhờ nguồn cầu cải thiện, đơn hàng của doanh nghiệp dệt may tăng từ 10-15%, không ít doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III/2024.

 

Với ngành da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho hay, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do, nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác Toàn diện xuyên Thái Bình Dương là yếu tố cơ bản giúp ngành đạt kim ngạch cao về xuất khẩu.

 

Bên cạnh những “gam màu” sáng, vẫn có những doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm, giảm nhân công do thiếu đơn hàng, thậm chí doanh nghiệp bị ép giá.

 

Xúc tiến mở rộng thị trường

 

Dệt may và da giày là hai ngành có “độ mở” lớn khi xuất khẩu tới 70-80% sản lượng sản xuất, do đó phụ thuộc nhiều, đồng thời dễ bị tổn thương trước biến động của thị trường thế giới.

 

Theo đó, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh “bỏ hết trứng vào một giỏ” là định hướng đúng đắn và được Bộ Công Thương triển khai thực hiện từ nhiều năm nay. Cụ thể, thông qua hoạt động giao ban xúc tiến thương mại hàng tháng, Bộ đã chỉ đạo, phối hợp cùng các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp trong việc khai thác và tìm kiếm khách hàng, đặc biệt là các thị trường đã ký kết hiệp định thương mại tự do.

 

Bộ cũng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành dệt may, da giày giai đoạn 2021 - 2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Nhằm hỗ trợ ngành dệt may, da giày phát triển ổn định, bền vững hơn trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã và đang “thúc” các đơn vị liên quan, địa phương tập trung triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành dệt may, da giày giai đoạn 2021-2030.

 

Xây dựng, đề xuất triển khai các chính sách, chương trình, giải pháp giải quyết khó khăn, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ khai thác và phát triển thị trường. Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong việc chia sẻ thông tin, đơn hàng, kinh nghiệm.

 

Triển khai các giải pháp về phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn, truy xuất nguồn gốc để đáp ứng yêu cầu thị trường.

 

Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công nghệ thiết bị, tự động hóa, ứng dụng quản trị hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

 

Về phía các doanh nghiệp, Bộ Công Thương khuyến cáo, cần có giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt; giữ chân khách hàng, duy trì thị trường truyền thống bằng cách lựa chọn đơn hàng phù hợp để khách hàng không chuyển đi nơi khác. Tìm cách khai thác các thị trường mới thông qua xây dựng mối quan hệ đối tác lâu dài, tin cậy, cùng có lợi; khai thác thị trường nội địa.

 

https://congthuong.vn/nganh-det-may-da-giay-phat-trien-thi-truong-moi-nhung-khong-noi-cu-322958.html

Các tin khác