Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 11

  • Hôm nay 1571

  • Tổng 8.195.400

Phát triển thương hiệu mật ong Trường Xuân

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Với bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, nhiều người nông dân hiện nay ở những vùng đất khó khăn đang nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế. Bằng sự dám nghĩ, dám làm của mình, họ đã góp phần quan trọng vào quá trình xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

 

Điển hình trong phong trào ấy là những người nông dân của Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ Ong Trường Xuân (Thôn Quyết Thắng, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), họ không chỉ làm giàu cho gia đình nhờ nuôi ong lấy mật mà còn tích cực giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn nhiều hộ gia đình khác kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, qua đó giúp nhau xóa đói giảm nghèo bền vững.

 

Trường Xuân là xã miền núi ở phía Tây thuộc huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình có diện tích tự nhiên 15.590,32 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 12.380 ha, rừng trồng 2.010 ha bao gồm keo, tràm, bạch đàn, còn lại là đất sản xuất nông nghiệp và sông, suối, ao, hồ, núi đá vôi, đặc biệt có 126 ha rừng phòng hộ, khu di tích tâm linh núi Thần Đinh, có chùa Kim Phong, đây là nguồn cung cấp nguồn hoa quanh năm cho nghề nuôi ong lấy mật ở xã Trường Xuân.

 

Sản phẩm mật ong của Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ Ong Trường Xuân.

 

Mật ong từ lâu đã trở thành đặc sản của Quảng Bình, là sự lựa chọn cho du khách dùng làm quà cho bạn bè, biếu người thân như là một món đặc sản của tỉnh nhà. Nắm bắt được nhu cầu và tiềm năng của thị trường tiêu thụ này, năm 2018, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ ong Trường Xuân đã chính thức được thành lập, thu hút sự tham gia của 11 hộ nuôi với khoảng 3 tấn mật/vụ.

 

Bằng kinh nghiệm nhiều năm nuôi ong truyền thống, Chị Võ Thị Hòe – Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ Ong Trường Xuân chia sẻ: nghề nuôi ong tuy ít chi phí đầu tư và công sức nhưng lại đòi hỏi kỹ thuật cao, sự khéo léo, dày công chăm sóc. Không chỉ am hiểu đặc tính của loài ong, người nuôi ong cũng cần phải có sự am hiểu về các loài hoa, mùa hoa nở, mùa con ong đi lấy mật, biết cách luân chuyển đàn ong tìm kiếm những nơi có nguồn mật hoa dồi dào,... Trong quy trình kỹ thuật nuôi ong, hai vấn đề cần đặc biệt quan tâm là chọn giống ong và kỹ thuật chăm sóc, phòng chữa các loại bệnh cho ong. Việc chọn giống ong ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất mật: giống tốt, con chúa đẻ khỏe thì cho năng suất mật cao và ngược lại. Bên cạnh đó, điều kiện thiên nhiên, khí hậu có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả nuôi ong. Bởi vậy, việc nuôi ong cần dựa trên sự khảo sát, tìm hiểu tình hình thời tiết, khí hậu của mỗi vùng miền và mỗi thời kỳ. Cũng theo chị Hòe, trung bình mỗi chu kỳ khai thác mật ong thường kéo dài trong khoảng 20 ngày khi các cầu quay đã lấp đầy mật. Để bảo đảm mật ong có chất lượng, thời gian thu hoạch mật tốt nhất thường là từ tháng 2 đến tháng 5 Dương lịch khi nhiều loại hoa trên vùng đồi núi Trường Xuân nở rộ, như: hoa mắc cỡ, hoa đường tàu, hoa sim…Theo tính toán của chị Hòe, với giá thu mua tại nhà khoảng 300.000 đồng/kg, bình quân mỗi vụ nuôi ong, không ít hộ trên địa bàn xã Trường Xuân thu về khoảng 130-150 triệu đồng.

 

Với tiềm lực và tâm huyết cao, Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ Ong Trường Xuân đã đóng vai trò chủ lực trong việc thiết lập và thúc đẩy chuỗi giá trị sản phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao tại tỉnh. Bên cạnh đó, Hợp tác xã đã góp một phần lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, thúc đẩy vai trò phụ nữ, chung tay cùng với chính quyền giải quyết công ăn việc làm cho người dân, nhằm xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, đóng góp vào chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Với những sản phẩm mật ong chất lượng, hợp tác xã được nhiều khách hàng biết đến và tin dùng. Năm 2020, Hợp tác xã đã vinh dự được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh./.

Thực hiện: Minh Tâm - TTKC&XTTM

Các tin khác