Thống kê truy cập

Số lượng và lượt người truy cập

  • Online 2

  • Hôm nay 484

  • Tổng 8.082.552

Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Ngày 28/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 165/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030. Theo đó, Đề án nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030. 

 


Đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 30%  

 

Đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 30%


Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030; Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng với tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP giảm 1 - 1,5%/năm; Duy trì thặng dư cán cân thương mại với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 6 - 8%/năm. Đồng thời, phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 13,0 - 13,5%/năm.


Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP khoảng 30% với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9 - 10%/năm; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất trong nước; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia.
Ngoài ra, đảm bảo tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% năm 2030. Phấn đấu tiết kiệm năng lượng đạt mức 7% vào năm 2030 so với kịch bản phát triển bình thường. Đảm bảo đến năm 2030, tổng công suất đặt các nguồn điện đạt 120.995 MW - 145.930 MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát)…


Kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo chiều rộng và chiều sâu


Về tái cơ cấu ngành công nghiệp, kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp theo cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng nội địa của sản phẩm; phấn đấu tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 8,5-9%/năm.


Tái cơ cấu ngành công nghiệp tập trung phát triển hoàn chỉnh hệ thống sản xuất công nghiệp trong nước thông qua việc nâng cấp và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp; chú trọng nội địa hóa chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và tăng cường tính tự chủ, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu; xanh hóa các ngành công nghiệp, đảm bảo sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, năng lượng trong các ngành công nghiệp.


Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp từ các ngành thâm dụng tài nguyên, lao động sang các ngành thâm dụng vốn và công nghệ, các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp các bon thấp; từ các công đoạn có giá trị gia tăng thấp lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực; phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP khoảng 30% với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 9-10%/năm; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 45%....


Ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn, lợi thế cạnh tranh cao


Về tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu, tập trung ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn, lợi thế cạnh tranh cao (điện tử, dệt may, da giày, nông sản, đồ gỗ...) gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu; gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tỷ lệ nội địa hóa lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường.


Dệt may là một trong những ngành ưu tiên phát triển giai đoạn đến 2030


Với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, mở rộng thị trường và thương hiệu hàng hóa của Việt Nam; chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, chất lượng cao và các sản phẩm công nghệ cao; nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường, phát thải carbon thấp và lao động.


Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo cần tiếp tục mở rộng xuất khẩu để khai thác có hiệu quả tiềm năng thị trường gắn với chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có tỷ lệ nội địa hóa lớn và đáp ứng tiêu chuẩn cao về tiêu chuẩn chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường.


Đồng thời, nâng cao thị phần xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước; phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghiệp chế biến chế tạo lên khoảng 90%, trong đó tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghệ trung bình và cao tăng lên khoảng 70%.

 

TH: Nhật Bình QLCN
 

Các tin khác